Thu hút đầu tư giảm nghiêm trọng
Theo đó, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn nằm trong top đầu cả nước về chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Vậy nhưng 6 tháng đầu năm 2024, địa phương này lại đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành cả nước.
Theo báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 9/5/2024, chỉ số PCI năm 2023 tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 39 bậc so với năm 2022. Nhiều chỉ số thành phần của PCI giảm điểm thứ hạng so với năm 2022 như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động.
Tỉnh Lâm Đồng đã từng được đánh giá rất giàu tiềm năng. (Ảnh: CTV). |
Tại buổi họp để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Lâm Đồng quý I/2024, ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý I/2024, thu hút đầu tư trên địa bàn Lâm Đồng tiếp tục gặp khó. Cụ thể, trong quý, trên địa bàn Lâm Đồng không có dự án đầu tư cấp mới; có 7 dự án được điều chỉnh nội dung đầu tư gồm 4 dự án trong khu công nghiệp, 3 dự án ngoài khu công nghiệp; 3 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 57 tỉ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, trong gần 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không có dự án đầu tư cấp mới, nghĩa là không có 1 nhà đầu tư nào tìm đến tỉnh Lâm Đồng.
Mới đây tại buổi gặp mặt hơn 270 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban, ngành và trưởng phòng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh của Lâm Đồng, ông Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, các chỉ số của Lâm Đồng hiện đang "rơi tự do" chứ không còn tụt hạng nữa.
Vì đâu nên nỗi?
Trước tình hình trên, ngày 17/5/2024, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 3936/UBND-TH3, chỉ đạo các sở ngành, địa phương phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm các chỉ số thành phần của chỉ số PCI tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
Tình trạng “rơi tự do” này đã được một số sở, ban ngành của tỉnh Lâm Đồng đưa ra nguyên nhân, nhưng có những nguyên nhân không được nhắc tới, đó là sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư về một số chính sách của tỉnh. Trong đó tiêu biểu là câu chuyện về bất nhất trong xử lý các sai phạm ở các dự án khác nhau của tỉnh này khiến doanh nghiệp thấy bị đối xử bất công, không còn thiết tha để đầu tư những dự án lớn.
Khách sạn Merperle Dalat Hotel (địa chỉ số 10 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư (Ảnh: CTV). |
Cụ thể, Khách sạn Merperle Dalat Hotel (địa chỉ số 10 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư. Sau khi bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh xây dựng trái phép. Đến tháng 6/2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản giao Sở Xây dựng, UBND TP. Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án Khách sạn Merperle Dalat.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công ty Cổ phần Khải Vy triển khai thi công xây dựng công trình Khách sạn Merperle Dalat theo đúng Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Tuy nhiên, sau kiểm tra thực tế, dự án này được xác định đã xây dựng trái phép 4.500m2. Vì thế, Công ty Khải Vy sau đó bị xử phạt 110 triệu đồng.
Chỉ hơn 4 tháng sau, cũng chính ông Võ Ngọc Hiệp lại ký một văn bản khác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP. Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật. Đây được coi là động thái giúp Công ty Khải Vy “hợp thức hóa” sai phạm tại dự án này mà không bị cưỡng chế, tháo dỡ.
Hiện nay, các hạng mục xây dựng trái phép của khách sạn này vẫn đang ngổn ngang, công trình vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, vì lợi nhuận chủ đầu tư khách sạn vẫn bất chấp đưa vào khai thác dịch vụ khách sạn, đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính mạng con người.
UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản về công trình Khách sạn Merperle Dalat (Ảnh: T.P). |
Một vụ việc khác, đầu tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phát hiện doanh nghiệp Acteam International khi thực hiện dự án The Dàlat at 1200 đã có hành vi phá rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đánh giá: “Công ty TNHH Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng; trong diện tích rừng bị mất có 11,5ha rừng phòng hộ; thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017”, số lượng cũng như mức độ vi phạm thuộc diện cần phải xử lý hình sự. Sau đó, Sở này kiến nghị chuyển hồ sơ cho Thanh tra tỉnh, tuy nhiên lại không chuyển cho cơ quan công an xử lý.
Vụ việc nghiêm trọng là thế, nhưng hiện tại hướng xử lý tiếp theo trong chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng là yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá. Như vậy có thể nói việc nộp tiền có thể sẽ giúp cho công ty này thoát khỏi việc bị khởi tố hình sự.
Ở một công trình khác, tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù cũng xảy ra sai phạm liên quan đến việc xây dựng trái phép thì nhất quyết bị UBND tỉnh cùng các Sở, ngành yêu cầu tháo dỡ.
Chỉ tính tính riêng tiền thuê đất doanh nghiệp này đã phải bỏ 140 tỷ đồng mỗi năm nộp cho ngân sách. Có thể nói, đây là một trong những sân Golf có tiền thuê đất đắt nhất thế giới. Tuy nhiên theo chủ đầu tư nếu được đầu tư bài bản, các giải golf Đồi Cù có thể thu hút được giới siêu giàu về đây, mang lại nguồn lực động lực phát triển kinh tế đặc biệt cho tỉnh.
Ông Trần Quốc Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL bày tỏ: “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi người chơi golf có mức chi tiêu gấp khoảng 20 đến 40 lần những khách du lịch bình thường. Vì thế việc nâng cấp hạ tầng cho sân Golf được chúng tôi kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đặc biệt cho chính chúng tôi và ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng, qua đó quảng bá hình ảnh của Đà Lạt đi quốc tế”.
Trên thực tế, gần 20 năm nay toàn bộ hoạt động điều hành của sân Golf này chỉ vỏn vẹn trong một khu lán trại lợp tôn tạm bợ, cơ sở vật chất không xứng tầm với tiềm năng và lợi thế, khiến doanh nghiệp có nhiều khát vọng phát triển Đà Lạt tiếc nuối. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất được HĐND tỉnh phê duyệt, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng 5.600 m2 đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án dự án sân golf Đà Lạt chưa được UBND tỉnh xem xét, cho phép. Vì mong muốn hoàn thiện công trình trước mùa mưa doanh nghiệp tự ý xây dựng một khối lượng công trình trên đất chưa được chuyển đổi, vì thế dự án đã bị tuýt còi.
Tuy nhiên, đánh giá việc phát hiện và xử lý vi phạm của tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù có một quy trình rất khác với những vi phạm của các công trình khác và chủ đầu tư khác. Sau khi bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép, phía Sở Xây dựng cũng đã có Văn bản 252/SXD-QHKT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép doanh nghiệp bổ sung một số diện tích công trình. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có Văn bản 1341/UBND- QH đồng ý với đề nghị của Sở này. Tuy nhiên hơn một năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra Văn bản số 4185/UBND – QH thu hồi văn bản đồng ý trên. Và sau đó công trình này buộc tháo dỡ, khiến doanh nghiệp đứng trước bờ vực của phá sản.
Công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù bị đề nghị tháo dỡ - (Ảnh: Lê Sơn). |
Liên quan đến sai phạm tại công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù, mới đây, ông Nguyễn Văn Trãi, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường đã nhận lỗi vì trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh, Sở chỉ mới quan tâm tới vấn đề đất đai, chưa quan tâm đến Nghị định 52/2020 về quản lý, đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf nên có sơ xuất. Có thể thấy, đây những cú "quay xe" khiến doanh nghiệp tái mặt, thiệt hại nhiều tỷ đồng đã đầu tư. Nhưng ở phía chính quyền chỉ nói một câu xin lỗi, còn thiệt hại vẫn là doanh nghiệp phải "chịu trận".
Được biết, đối với vụ việc của công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù, chính quyền tỉnh Lâm Đồng rất rốt ráo yêu cầu xử lý nghiêm. Đồng thời yêu cầu phải cưỡng chế, tháo dỡ, không màng đến những thiệt hại to lớn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Động thái này khác hẳn với cách tiếp cận và xử lý của các cơ quan chức năng ở vụ phá rừng hơn 11,5 ha rừng phòng hộ Công ty TNHH Acteam International và vụ Khách sạn Merperle Dalat Hotel của Công ty Khải Vy.
Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư tòa nhà CLB Đồi Cù là Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đã có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tự nguyện tháo dỡ phần công trình vi phạm, đặc biệt toàn bộ chi phí tháo dỡ do đơn vị này chịu.
Muốn cải thiện môi trường đầu tư cần công bằng với các doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tìm kiếm động lực phát triển kinh tế cần có sự đồng lòng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Trước pháp luật, các doanh nghiệp đều cần được bình đẳng giống nhau.
Đặc biệt, các quyết định về việc tạo điều kiện tháo gỡ chính sách của các cơ quan chức năng cần phải nhất quán. Bởi nếu sai, các cơ quan chức năng thường chỉ nhận khuyết điểm, thế nhưng thiệt hại của doanh nghiệp là nhiều tỷ đồng, có thể đẩy doanh nghiệp vào phá sản. Việc chính quyền điều hành kinh tế thiếu đi sự công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư.
Như đã phân tích, việc kém thu hút đầu tư là một sự thật đáng buồn đối với Lâm Đồng. Từ một tỉnh đầy tiềm năng phát triển nay lại rơi vào cảnh nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà. Điều đó được đánh giá một phần do cái cách xử lý sai phạm không đồng nhất khiến nhiều doanh nghiệp không phục, dẫn đến môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.
Vì thế, muốn thu hút được đầu tư như tiềm năng vốn có của mình, thiết nghĩ trước hết các cấp chính quyền của Lâm Đồng cần có những cái nhìn khách quan đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hành xử và xử lý công việc có tính nhất quán, tránh "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Qua đó, gây dựng lại niềm tin đối với các nhà đầu tư, lúc đó mới mong muốn thu hút được các doanh nghiệp đặt chân đến để tìm kiếm cơ hội.