Chiều ngày 11/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 6/2024. Tại hội nghị, ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng đã thông tin tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 6 năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị giao ban báo chí tỉnh Lâm Đồng tháng 6/2024. (Ảnh: Lê Sơn) |
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ông Ngô Văn Ninh cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 là hơn 7.983 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 6/2024, số vốn đã giải ngân 974,737 tỷ đồng/7.983 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 5,8% kế hoạch).
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024, số vốn đã giải ngân 932,507 tỷ đồng/6.940 tỷ đồng, đạt 13,4% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 5,0% kế hoạch). Đối với nguồn ngân sách địa phương: Kế hoạch vốn hơn 5.158 tỷ đồng, đã giải ngân 741,055 tỷ đồng, đạt 14,4% kế hoạch và nguồn ngân sách Trung ương: Kế hoạch vốn hơn 1.781 tỷ đồng, đã giải ngân 191,452 tỷ đồng, đạt 10,7% kế hoạch.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Lâm Đồng quá chậm so với kế hoạch. (Ảnh: Lê Sơn) |
Đối với danh mục kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài và thực hiện đến ngày 31/12/2024: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 là 1.043 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 07/6/2024 là 42,230 tỷ đồng, đạt 4,0% kế hoạch. Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ giao là 7.106 tỷ đồng, đã giải ngân 932,507 tỷ đồng, đạt 13,1% kế hoạch.
Ông Ngô Văn Ninh chia sẻ, trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công thấp ở mức báo động như vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế đẩy nhanh tiến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, với mục tiêu đến hết ngày 30/6/2024 đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% kế hoạch trở lên, đến ngày 31/12/2024 đạt 95% kế hoạch trở lên và đến ngày 31/01/2025 đạt 100% kết hoạch vốn bố trí.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, các dự án chậm giải ngân là do các nguyên nhân như: Một số dự án chưa có khả năng giải ngân do đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, một số dự án chưa phê duyệt thiết kế - dự toán (đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang trong quá trình lập, thẩm định thiết kế - dự toán), đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.
Một số dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, người dân chưa đồng thuận về đơn giá, vị trí tái định cư để bàn giao mặt bằng; chưa phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình; các địa phương còn lúng túng trong việc xác định đơn giá đền bù mặt bằng; chưa có quy định về việc thanh toán chi phí tư vấn khảo sát đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng trong chi phí tổng mức đầu tư dự án nên UBND cấp huyện phải sử dụng ngân sách huyện để thanh toán chi phí tư vấn đối với các dự án do đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh triển khai tại các địa phương.
Có dự án thì đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án do phát sinh khối lượng, công việc trong quá trình thực hiện. Một số dự án thiếu nguyên vật liệu, đất đắp. Một số dự án đang thực hiện, chưa đến điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu, giải ngân nên tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Một số dự án gặp vướng mắc khi thực hiện do quy định về quy hoạch khoáng sản, vị trí đổ thải và quy định lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình (trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc...) theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ. Một số dự án mới được thông qua HĐND tỉnh và giao vốn, bổ sung vốn vào ngày 23/4/2024 nên chưa có khối lượng để giải ngân.
Các dự án nguồn ngân sách Trung ương mới được chấp thuận cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân năm 2023 sang năm 2024 theo Văn bản số 3922/BKHĐT-TH ngày 22/5/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn bản số 5717/BTC-ĐT ngày 04/6/2024 của Bộ Tài chính, các chủ đầu tư đang hoàn tất thủ tục kéo dài vốn theo quy định nên chưa giải ngân vốn.
Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (vay vốn ODA của Nhật Bản): theo quy định của nhà tài trợ, vốn ODA chỉ giải ngân cho gói thầu xây lắp, thiết bị, tư vấn quốc tế nhưng hiện nay chưa đồng thuận với nhà tài trợ về tư vấn quốc tế. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa xác định được quỹ đất hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân để triển khai Trung tâm giao dịch hoa.
Đối với nguồn vốn ứng trước ngân sách Trung ương của địa phương đến thời điểm hiện nay còn 511.466 triệu đồng của 10 dự án chưa có nguồn bố trí hoàn trả, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có đề xuất, kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh Lâm Đồng để bố trí hoàn trả hết số vốn ngân sách Trung ương.