Trách nhiệm quản lý mặt hàng sữa theo quy định pháp luật
Vụ việc triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả quy mô lớn thời gian qua đã gây chấn động dư luận. Bên cạnh sự phẫn nộ trước hành vi vi phạm trắng trợn, nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giám sát an toàn thực phẩm.
Về mặt pháp lý, cần khẳng định rõ: Căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, bao gồm việc tiếp nhận tự công bố sản phẩm, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.
Trong khi đó, ngành Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Thuộc Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường luôn thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Không hề đùn đẩy hay né tránh, lực lượng này liên tục theo dõi diễn biến thị trường, sẵn sàng vào cuộc kiểm tra, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc nhận được yêu cầu phối hợp từ cơ quan chuyên ngành.
![]() |
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây làm sữa giả lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: Vtv.vn) |
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa đã được lực lượng Quản lý thị trường triển khai tích cực. Giai đoạn 2021–2024, lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 783 vụ việc liên quan đến sữa vi phạm; tổng số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; tổng số lượng hàng hóa vi phạm bị xử lý gồm 58.187 hộp, 451 thùng và 20.394 chai/lon sản phẩm.
Riêng tại Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ, với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng. Số lượng hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy liên quan đến mặt hàng sữa lên tới 5.853 lon, hộp, chai..., tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (nay là Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã chuyển 2 vụ việc nghiêm trọng tới cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Siết chặt tiền kiểm, thêm thẩm quyền cho cơ quan hậu kiểm
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc kiểm tra, xử lý phải thực hiện đúng thẩm quyền pháp lý đã được quy định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác và tránh chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước. Lực lượng Quản lý thị trường không thể kiểm tra doanh nghiệp thuộc ngành khác quản lý nếu chưa có dấu hiệu vi phạm rõ ràng hoặc yêu cầu phối hợp chính thức từ cơ quan chuyên ngành. Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật là nguyên tắc bắt buộc, thể hiện sự chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động công vụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn thực tế trong công tác kiểm tra mặt hàng sữa. Ông Ngọc cho biết: "Khi phát hiện nghi vấn về chất lượng sản phẩm sữa (như nghi ngờ sữa giả, sữa kém chất lượng), lực lượng Quản lý thị trường phải tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh các thông tin liên quan đến đối tượng và hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nếu có đủ căn cứ xác định sản phẩm lưu thông trên thị trường là sữa giả hoặc sữa kém chất lượng, lực lượng mới được phép kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, để xác định được hành vi vi phạm, quá trình xác minh không đơn giản. Đối với hành vi giả về chất lượng, lực lượng cần tiến hành lấy mẫu sản phẩm, tổ chức kiểm nghiệm, kiểm định thành phần để có kết luận khoa học. Còn đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu, cần xin ý kiến tham vấn từ cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu để xác định yếu tố vi phạm".
Ông Ngọc thẳng thắn chỉ ra ba khó khăn lớn hiện nay: Thứ nhất Bộ Công Thương không phải cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm sữa. Do đó, lực lượng Quản lý thị trường khi chủ động kiểm tra chất lượng sản phẩm gặp nhiều hạn chế về chuyên môn đánh giá.
Thứ hai, theo quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng cũng khiến lượng sản phẩm sữa lưu thông trở nên rất đa dạng, khó kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng Quản lý thị trường chỉ tiến hành hậu kiểm – nghĩa là kiểm tra khi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường – nên việc kiểm soát chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa thể triệt để xử lý từ gốc.
Thứ 3, hiện chưa có hệ thống dữ liệu số hóa đầy đủ để quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường. Thiếu công cụ tra cứu, lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra thông tin trước khi lựa chọn tiêu dùng.
Để khắc phục những bất cập trên, ông Ngọc đề xuất: Công tác tiền kiểm đối với hàng hóa trước khi đưa ra thị trường cần được quy định chặt chẽ hơn và được phân công cho một cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất. Sau khi sản phẩm đã lưu thông, cơ quan hậu kiểm phải có thẩm quyền và công cụ phù hợp để giám sát, xử lý vi phạm hiệu quả. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, định danh sản phẩm sản xuất trong nước, phục vụ việc tra cứu, truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng.
Trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về thẩm quyền như hiện nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xác định sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người kinh doanh và kỹ năng lựa chọn hàng hóa cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng được khuyến nghị nên lựa chọn sản phẩm có đầy đủ nhãn hàng hóa theo quy định, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, kèm hóa đơn, chứng từ hợp lệ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. |