Thứ bảy 10/05/2025 18:20

Kháng cáo xin án treo dây chuyền vụ 'Bà Nhàn trị nám': Liệu có quá nhẹ tay?

Sau bản án sơ thẩm, nhiều bị cáo trong vụ “Bà Nhàn trị nám” đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ và hưởng án treo, đặt ra lo ngại về tính răn đe của pháp luật.

Xu hướng “mềm hóa” hình phạt: Có nguy cơ tạo tiền lệ?

Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2024/HS-ST ngày 24/9/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Ngô Duy Khánh 14 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Huyền Thương 12 năm tù và 19 bị cáo khác mức án từ 15 tháng đến 8 năm tù, trong đó đã có 4 bị cáo được hưởng án treo ngay tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngay sau bản án, một làn sóng kháng cáo “dây chuyền” đã diễn ra. Cụ thể, 13 bị cáo gồm Nguyễn Xuân Bắc, Thiều Thu Thảo, Ngô Thị Hải, Nguyễn Thế Quang, Lê Anh Tuân, Nguyễn Thị Hồng Thu, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Thị Kim Chi, Nguyễn Lan Anh, Trần Văn Lộc, Vũ Nhật Nam, Nguyễn Minh Tuấn và Phạm Thị Mến đã kháng cáo xin được hưởng án treo hoặc giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Đức Toàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đặc biệt, bị cáo Ngô Duy Khánh – người giữ vai trò cầm đầu đường dây đã kháng cáo toàn diện, đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên mình vô tội hoặc hủy một phần bản án để điều tra lại. Nguyễn Thị Huyền Thương cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trang facebook do các đối tượng lập ra để tiếp cận “con mồi”. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Trong vụ án này, theo thông tin được nhiều cơ quan báo chí đưa trước đó, đường dây do Tạ Tùng Lâm và Lê Thị Thủy điều hành đã chiếm đoạt khoảng 380 tỷ đồng. Một nhánh khác do Ngô Duy Khánh – Nguyễn Thị Huyền Thương điều hành qua Công ty Khang Thịnh bị cho là đã chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng. Mặc dù số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, nhiều bị cáo lại xin được chuyển từ hình phạt tù giam sang án treo.

Điều khiến dư luận lo ngại là bản án sơ thẩm dường như đã tạo tiền đề cho xu hướng “mềm hóa” trong xử lý loại tội phạm công nghệ cao khoác áo mỹ phẩm, khi hàng loạt bị cáo với vai trò trực tiếp tư vấn, thao túng tâm lý người mua lại mong muốn được miễn chấp hành án tù. Nếu điều này tiếp diễn, sẽ hình thành một “lối mòn pháp lý” nguy hiểm: lừa đảo công nghệ cao nhưng chịu án nhẹ, rồi kháng cáo để... thoát án.

Tội phạm tổ chức – công nghệ cao: Không thể xử nhẹ như hành vi cá nhân

Vụ việc “Bà Nhàn trị nám” mang đủ dấu hiệu của một hệ thống tội phạm có tổ chức, sử dụng công nghệ và mạng xã hội để tiếp cận hàng nghìn người dân. Các bị cáo đã xây dựng hệ thống telesale chặt chẽ, hoạt động qua hàng trăm chi nhánh, vận hành như một doanh nghiệp thực thụ với kịch bản “chốt đơn” được chuẩn hóa đến từng câu thoại. Đây không phải là hành vi đơn lẻ bộc phát, càng không phải “bị lôi kéo” như nhiều bị cáo đã viện dẫn trong kháng cáo.

Việc cho hưởng án treo trong bối cảnh này cần được thẩm định lại một cách nghiêm túc. Không thể đánh đồng trách nhiệm giữa người trực tiếp tư vấn, thúc đẩy hành vi gian dối với những người bị ép buộc hay thiếu nhận thức pháp lý. Càng không thể xem nhẹ vai trò của các “tư vấn viên” khi chính họ là mắt xích quyết định trong toàn bộ quy trình lừa đảo – biến nỗi lo về nám da, lão hóa thành nỗi đau về kinh tế và lòng tin cho hàng nghìn phụ nữ.

Đặc biệt, nếu xu hướng kháng cáo hàng loạt và xin án treo được chấp thuận một cách rộng rãi, nó sẽ để lại hệ quả: tội phạm có tổ chức sẽ “dự liệu” trước các mức án nhẹ để an tâm triển khai chiêu trò, vì biết rằng khi bị bắt, phần lớn chỉ phải nộp phạt và được treo án. Đây là một rủi ro pháp lý cần được hệ thống tư pháp cảnh giác.

Đối tượng Ngô Duy Khánh tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Trong thời đại mà lừa đảo trực tuyến, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng rởm đang nở rộ như một “đại dịch âm thầm”, bản án nghiêm khắc không chỉ là công lý với người bị hại, mà còn là tấm khiên ngăn chặn những kẻ đang có ý định bước vào con đường tội lỗi.

Pháp luật không thể mềm tay trước loại tội phạm biết sử dụng công nghệ, nắm rõ tâm lý người tiêu dùng và thao túng thị trường bằng sự giả dối có tổ chức. Nếu không đủ sức răn đe từ chính tòa án, thì ai sẽ là người bảo vệ người dân trước những cú lừa kế tiếp?

Đó là những tội ác tinh vi dưới lớp vỏ nhân đạo

Các vụ việc “Bà Nhàn trị nám”, đường dây sữa bột giả và thuốc giả ở Thanh Hóa mới đây không chỉ là ba sự kiện hình sự riêng lẻ, mà là điển hình cho một loại tội phạm kiểu mới: khoác áo thiện lương, dùng danh nghĩa chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp để lừa đảo có tổ chức.

Trong vụ “Bà Nhàn trị nám”, hai đường dây khác nhau cùng sử dụng chiêu thức giả mạo thương hiệu để bán sản phẩm kém chất lượng, lừa đảo bằng các gói hoàn tiền hoặc bảo hành.

Vụ sữa giả lại nhắm tới một nhóm yếu thế hơn: trẻ sinh non, người bệnh mãn tính, người cao tuổi. Gần 600 sản phẩm sữa bột không rõ thành phần dinh dưỡng được gắn mác tổ yến, collagen, đông trùng hạ thảo. Những lời quảng cáo hoa mỹ biến sản phẩm không kiểm nghiệm thành “thần dược” được bán ra thị trường, khiến hàng ngàn người tiêu dùng lầm tưởng và móc ví.

Vụ thuốc giả trị xương khớp ở Thanh Hóa cũng không kém phần nguy hiểm. Gần 10 tấn nguyên liệu và thành phẩm thuốc giả đã được sản xuất và tiêu thụ. Các loại thuốc chủ yếu nhắm vào người già, đau xương khớp – những người có ít cơ hội thẩm định và thường tin tưởng tuyệt đối vào lời giới thiệu. Hậu quả không chỉ là tiền bạc bị mất, mà có thể còn là sức khỏe, tính mạng bị đe dọa âm thầm.

Một điểm đáng báo động là các đường dây này đều hoạt động nhiều năm, có hệ thống chi nhánh, hàng trăm nhân viên, chiến dịch truyền thông rộng khắp trên mạng xã hội nhưng không bị phát hiện sớm. Trong vụ sữa giả, các công ty đã vận hành hệ thống kinh doanh từ năm 2021 đến 2024 mà không gặp trở ngại đáng kể. Với “Bà Nhàn trị nám”, các công ty tổ chức telesale chuyên nghiệp, hoạt động quy mô lớn, liên tục chạy quảng cáo công khai trên Facebook, YouTube. Vụ thuốc giả tại Thanh Hóa cũng cho thấy sự bất cập trong giám sát hệ thống phân phối dược phẩm.

Người dân có thể mất tiền, mất niềm tin vào sản phẩm là một chuyện. Nhưng nguy hiểm hơn, đó là sự hoài nghi đang lan rộng trong xã hội: rằng bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể bị làm giả, rằng bất kỳ lời quảng cáo nào cũng có thể là một cái bẫy. Và khi người dân không còn tin vào sản phẩm, vào hệ thống kiểm định, vào cả thông tin từ báo chí và cơ quan quản lý – thì đó là khủng hoảng thật sự.

Cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: nếu không tăng hình phạt đủ sức răn đe, nếu không xử lý nghiêm người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo sản phẩm gian dối, nếu không tổ chức chiến dịch cảnh báo cộng đồng quy mô toàn quốc – thì những vụ việc như thế này sẽ tiếp tục xảy ra.

Với mức độ tinh vi, tổ chức chặt chẽ, nhân lực hùng hậu, tài chính lớn, và thủ đoạn nhắm vào người yếu thế, đây không còn là hành vi kinh doanh vi phạm, mà cần được coi là tội ác. Một tội ác cần phải bị trấn áp bằng cả pháp luật, truyền thông, và ý thức xã hội.

Khi niềm tin bị rao bán như một món hàng hóa, thì việc bảo vệ người tiêu dùng không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, hiệu lực từ ngày 1/7/2024:

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với thông tin hàng hóa:

Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tính năng, công dụng, giá bán, nguồn gốc sản phẩm. Cấm hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn, dẫn đến lựa chọn sai lầm của người tiêu dùng.

Điều 45. Hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh:

Quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, sử dụng hình ảnh của chuyên gia, bác sĩ không được phép. Dụ dỗ, dẫn dụ bằng các hình thức "đầu tư gói bảo hành", “cam kết hoàn tiền”, “tăng quà”, nhưng thực chất là chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Vụ việc Bà Nhàn trị nám đã vi phạm nghiêm trọng các quy định này, bao gồm:

Sản phẩm không có kiểm định chất lượng, không công bố nguồn gốc. Dẫn dụ người tiêu dùng đóng tiền mua “bảo hành” 10 năm để được hoàn vốn gấp nhiều lần. Sử dụng giọng nói giả danh bác sĩ, nhân viên y tế để tư vấn sai lệch trên các cuộc gọi.

Khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương): Tuyệt đối không chuyển tiền qua điện thoại cho các sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc. Không tin vào các chương trình “đầu tư mỹ phẩm sinh lời”, “cam kết bảo hành” nghe có vẻ chuyên nghiệp nhưng vô căn cứ. Khi bị lừa, hãy lưu giữ cuộc gọi, tin nhắn, hóa đơn và gọi Tổng đài 1800.6838 để được hỗ trợ.

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: lừa đảo qua mạng

Tin cùng chuyên mục

Cách quản lý, kinh doanh ‘lạ’ tại khu du lịch biển Bãi Đông

Quản lý thị trường sẽ kiểm tra ô tô 'Phụ kiện MAX' bán hàng trôi nổi

Cafe Mai nói gì về phản ánh ‘mắng mỏ’ khách hàng?

Nhà xưởng quy mô lớn trên đất cây xanh KCN Thạch Thất - Quốc Oai

Phụ kiện MAX: Dùng xe hết đăng kiểm bán hàng trôi nổi

Nấm độc núp bóng review, phá hoại thị trường - Bài 1: Những 'ông vua', 'bà chúa' không ngai trên mạng

Loạn quảng cáo lố của loạt trang ‘lang y online’ Nguyễn Bá Nho

Sau vụ sữa giả: Cơ quan chức năng siết chặt hoạt động

Choáng với quảng cáo King Fucoidan & Agaricus điều trị 33 loại ung thư

Sau vụ sữa giả: Zentrum đóng website, âm thầm gỡ bỏ video quảng cáo

Thanh Hương quảng cáo 'thần thánh hóa' men sống Bạch Mai Pro

Đoàn Di Băng quảng cáo, giới thiệu mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki

PQA Nhuận Tràng: Thực phẩm chức năng đội lốt bài thuốc

Loạt trung tâm đăng kiểm bị tố vòi vĩnh, nhũng nhiễu

Báo Công Thương liên tiếp nhận được phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo sản phẩm sai sự thật

Hộp thư bạn đọc ngày 19/4: Phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo lố; sản phẩm cai thuốc lá mập mờ nguồn gốc

Tra cứu thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở đâu?

Quản lý thị trường chỉ ra 3 khó khăn trong kiểm tra, xử lý thực phẩm vi phạm

Ký túc xá Mỹ Đình thiếu minh bạch, đẩy gánh nặng lên vai sinh viên nghèo?