Ký túc xá kiểu mẫu – gánh nặng kiểu mới
Ký túc xá Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) từng được giới thiệu là mô hình kiểu mẫu, hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh, thành về Hà Nội học tập. Với mức giá thuê chỉ hơn 200.000 đồng/tháng - nơi đây được kỳ vọng sẽ giúp sinh viên nghèo yên tâm sinh sống, học tập mà không quá lo lắng về gánh nặng tài chính.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt phí như “trên trời rơi xuống” gồm: Phí sử dụng điều hòa, phí vệ sinh, phí giặt đồ… khiến nhiều sinh viên không khỏi hoang mang, lo lắng. Không chỉ bất ngờ vì chi phí tăng cao, điều khiến các em bức xúc hơn cả là việc thu – chi từ những khoản tiền này có dấu hiệu mập mờ, thiếu minh bạch…
![]() |
Nhiều sinh viên tại ký túc xá Mỹ Đình bức xúc trước các loại phí khi sinh sống tại đây khiến gia tăng áp lực tài chính đối với gia đình các em (Ảnh: Đoàn Tuấn). |
Phản ánh tới Báo Công Thương, nhiều sinh viên cho biết, các khoản phí – sử dụng điều hòa và vệ sinh không chỉ tạo thêm gánh nặng tài chính cho gia đình các em ở quê, nó còn gây bức xúc khi được thu dưới danh nghĩa “tự nguyện” nhưng dường như ép buộc khiến các em phải đồng ý và không có quyền lựa chọn.
Cầm trên tay phiếu thu tiền từ Ban quản lý Ký túc xá Mỹ Đình trở về sau khi vừa hoàn tất việc đóng tiền 6 tháng liền của năm 2025, em M.H.T – sinh viên của một trường Đại học, hiện đang ở tại đơn nguyên 4 (còn gọi là tòa nhà 4) – chia sẻ: Cả phòng gồm 6 người vừa đóng tổng số tiền gần 9 triệu đồng, bao gồm các khoản tiền như: Tiền điện - nước, tiền điều hòa, tiền vệ sinh... trong tâm trạng đầy ấm ức.
Theo sinh viên M.H.T, cả phòng nhận được thông báo của Ban quản lý lắp điều hòa từ cách đây vài tuần kèm theo là một mẫu lá đơn “tự nguyện” sử dụng điều hòa với số tiền 150 nghìn đồng/tháng/người. Dù không có nhu cầu sử dụng, nhưng dưới danh nghĩa “tự nguyện” kèm điều kiện “mềm” – “không đóng tiền sẽ cắt điện, cắt nước” nên cả phòng dù rất ấm ức vẫn phải ngậm ngùi hoàn thành việc đóng tiền trong 6 tháng liền.
Điều khiến các em bức xúc hơn cả là trong phiếu thu chỉ ghi đã thu tiền điện của tháng vừa sử dụng; trong khi các khoản phí khác như: Tiền điều hòa, phí vệ sinh mặc dù đã đóng đầy đủ nhưng lại bị “đánh bùn sang ao” gạt ra khỏi phiếu thu và số tiền này chỉ được ghi vào cuốn sổ riêng của nhân viên thu ngân.
![]() |
Nhiều sinh viên đặt dấu hỏi lớn về việc thu - chi các loại tiền trên liệu có đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định của pháp luật? (Ảnh: Đoàn Tuấn). |
Điều này đã khiến nhiều sinh viên nghi vấn có sự mập mờ và thiếu tính minh bạch trong hoạt động thu tiền của Ban quản lý. “Tụi em không hiểu vì sao họ lại thu tiền theo cách như vậy. Ngay cả tiền điện cũng không rõ ràng, khi thu không hề thông báo chỉ số đầu – chỉ số cuối mà chỉ đưa ra một con số tổng cộng để tụi em nộp tiền. Vậy các khoản tiền thu - chi sẽ đi về đâu, chúng tôi cần câu trả lời?”, một nữ sinh bức xúc.
Không chỉ dừng lại ở những ý kiến trực tiếp, sự bức xúc còn lan rộng trên mạng xã hội. Tại trang Facebook có tên “KTX Mỹ Đình Confessions” với hơn 20 nghìn lượt theo dõi xuất hiện nhiều bài đăng về vấn đề này. Dưới mỗi bài viết là hàng loạt biểu tượng phẫn nộ cùng nhiều bình luận thể hiện thái độ bất bình từ nhiều sinh viên.
Nêu bức xúc về vấn đề này, tài khoản tên N đăng tải dòng trạng thái “chúng tôi không tự nguyện” kèm ảnh mẫu đơn xin đăng ký dịch vụ sử dụng điều hòa.
Ngay dưới dòng trạng thái này, tài khoản N.B.L để lại bình luận: “Không đăng ký thì không được đóng tiền điện”. Trả lời bình luận của L, tài khoản H.N thì quả quyết: “Bạn không phải đóng, Ban quản lý không cho đóng tiền điện thì đấy là sai phạm”.
Trong khi đó tài khoản facebook có tên N.H để lại bình luận mỉa mai: “Mang tiếng là ký túc xá mà thu tiền hơn cả ở trọ. Tiền điều hòa một phòng 6 người với mức thu 150 nghìn đồng/ người thì mỗi tháng cả phòng phải đóng 900 nghìn đồng, chưa tính các loại phí khác. Nghèo thì mới vào ký túc xá ở mà phí như này thì sao ở nổi?”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bạn N.H.H cho biết, sinh viên ở đây chủ yếu là những bạn ở các tỉnh xa, kinh tế gia đình khó khăn. Vào ở ký túc xã để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhưng với hàng loạt chi phí phát sinh như được “vẽ” ra cùng với việc thu một lúc 6 tháng liền tiền phí khiến nhiều bạn phải đi làm thêm để trang trải học hành, một số bạn thì bất an, lo lắng không biết lấy tiền đâu để đóng số tiền này.
H cho biết: “Ở các tầng cao rất mát, tụi em chỉ cần dùng quạt máy, không cần đến điều hòa. Với mức thu mỗi người 150 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền điện sử dụng điều hòa trong khi mùa đông không sử dụng vẫn phải đóng tiền là rất cao, điều này hết sức phi lý. Tụi em là sinh viên nghèo thường tự lập rất tốt, có thể tự vệ sinh phòng ốc, tự giặt quần áo nên các dịch vụ này tụi em cũng không có nhu cầu”.
Sai phạm cũ có nguy cơ lặp lại?
Liên quan đến vấn đề lắp điều hòa và thu phí điều hòa, năm 2024, Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội thuộc Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn yêu cầu Ban quản lý ký túc xá Mỹ Đình và Đại học quốc gia Hà Nội tháo dỡ toàn bộ số điều hòa đã lắp tại đơn nguyên 1 và đơn nguyên 2. Đồng thời, dừng ngay việc thu tiền sử dụng điều hòa của sinh viên 2 đơn nguyên nói trên.
Viện dẫn cho những yêu cầu trên, Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội cho hay, theo thiết kế phòng tại 2 đơn nguyên nói trên, phòng sinh viên không được trang bị điều hòa. Đồng thời, qua kiểm tra bản vẽ hoàn công thiết kế phần điện của 2 đơn nguyên không có thiết kế đường dây điện.
![]() |
Mẫu đơn mang hình thức "tự nguyện" dường như đang ép buộc sinh viên sử dụng dịch vụ mà phía Ban quản lý "vẽ ra". Ảnh: Sinh viên cung cấp |
Nội dung văn bản khẳng định, việc lắp điều hòa ở các phòng của sinh viên thuộc 2 đơn nguyên này gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu nhà ở sinh viên.
Từ yêu cầu tháo dỡ và dừng thu phí điều hòa tại đơn nguyên 1 và 2 của Trung tâm Quản lý nhà TP. Hà Nội, có thể thấy: Việc lắp đặt và thu tiền điều hòa ở các khu không nằm trong thiết kế ban đầu là sai quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn điện, phòng cháy chữa cháy và xâm phạm quyền lợi chính đáng của sinh viên.
Vấn đề đặt ra là: Nếu đơn nguyên 1 và 2 bị yêu cầu tháo dỡ do không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, vậy đơn nguyên 4 – nơi hàng nghìn sinh viên đang sinh sống và vẫn đang thu tới 150.000 đồng/người/tháng – có thực sự đủ điều kiện pháp lý và kỹ thuật để lắp đặt, vận hành hệ thống điều hòa…?
![]() |
Cục nóng điều hòa lắp ngay ban công phòng không những làm hẹp không gian sinh hoạt đối với sinh viên, nó còn tiềm ẩn nguy cơ về điện năng và cháy nổ. Ảnh: Sinh viên cung cấp |
Nếu không, việc thu tiền điều hòa tại đây chẳng khác nào đang lặp lại vi phạm cũ; thậm chí nghiêm trọng hơn khi nó được “hợp thức hóa” bằng các mẫu đơn mang danh nghĩa “tự nguyện”, trong khi sinh viên hoàn toàn không có nhu cầu. Điều này không chỉ đặt ra dấu hỏi lớn về tính minh bạch, sự nhất quán trong vấn đề tài chính mà còn dấy lên nghi vấn về sự buông lỏng trong quản lý, giám sát của các cấp có thẩm quyền?
Chẳng lẽ, sau công văn chấn chỉnh từ cơ quan chức năng, tình trạng này vẫn tiếp diễn ở các khu khác? Và liệu bao nhiêu sinh viên nữa sẽ tiếp tục phải gánh thêm những khoản phí trong sự ấm ức ở thời điểm cần tập trung cho các kỳ thi cuối năm?
Tại mỗi đơn nguyên trong ký túc xá, cách thu phí và mức thu đều có sự khác nhau, bao gồm các khoản như: Phí wifi, phí vệ sinh, phí giặt đồ, phí sử dụng điều hòa… với số tiền thu dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng/người/tháng. Trong đó, hai khoản phí gây bức xúc nhất đối với nhiều sinh viên là phí điều hòa, thu 150.000 đồng/người/tháng,và phí vệ sinh lên tới 100.000 đồng/người/tháng. |