Phát triển khoa học và công nghệ: Câu chuyện từ Lâm Đồng
Doanh thu sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 268 triệu đồng/ha
Lâm Đồng là địa phương nổi tiếng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với việc kiểm soát môi trường sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới; tưới tiêu thông minh; ứng dụng AI và IoT trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa bằng Blockchain; số hóa quy trình canh tác và điều phối sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng |
Đây cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp, du khách trải nghiệm thăm quan các mô hình nông nghiệp sản xuất rau, hoa thông minh, ứng dụng công nghệ cao.
Lâm Đồng đã trở thành vựa rau, thủ phủ hoa, điểm đến du lịch hấp dẫn dựa trên tài nguyên thiên nhiên và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm 2024, tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt, tăng 13,4% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 600 nghìn lượt khách, tăng 50%.
Chia sẻ về việc đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, về nông nghiệp, toàn tỉnh có trên 665 ha ứng dụng công nghệ thông minh (275 ha hoa; 272 ha rau; 80,5 ha cây ăn quả, 15,5 ha dâu tây, 10 ha chè chất lượng cao và 12 ha cà phê) sử dụng công nghệ IoT; có 50 cơ sở nuôi cấy mô với sản lượng 70 triệu cây giống mỗi năm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, có 15 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 13 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt với quy mô 534,2 ha. 8/21 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 1.640 ha/tổng quy mô 6.168 ha.
Doanh thu bình quân sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 268 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ IoT đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3-5 tỷ đồng/ha/năm.
Không chỉ thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số bước đầu đã đi vào cuộc sống, trở thành công cuộc của toàn dân, toàn diện, xuyên suốt ở các cấp, ngành trong tỉnh. Minh chứng là tháng 12/2019, Trung tâm Điều hành thông minh TP. Đà Lạt (Trung tâm IOC - Intelligent Operation Center) chính thức đưa vào vận hành; toàn tỉnh hiện có 14 trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Các Trung tâm IOC này cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố thông qua khả năng giám sát và quản lý từ tổng thể đến chi tiết, các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, tình hình giao thông; quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công...
Lâm Đồng đã triển khai Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính cấp độ 3 và 4; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai số hóa dữ liệu địa chính; sử dụng GIS để hỗ trợ công tác quy hoạch đô thị, quản lý tài nguyên rừng và giám sát tài nguyên thiên nhiên; quản lý giao thông thông minh, giám sát giao thông bằng AI.
Tỉnh đã sử dụng các phần mềm quản lý tuyến xe buýt, bãi đỗ xe và hệ thống điều phối giao thông. Bên cạnh đó, giám sát tài nguyên thiên nhiên bằng IoT và vệ tinh; sử dụng dữ liệu vệ tinh và GIS để quản lý rừng, bảo vệ tài nguyên nước và cảnh báo sớm sạt lở đất; hệ thống quản lý rác thải thông minh.
Ngoài ra, trong các năm qua, tỉnh đã có nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc số hóa các dữ liệu về các khu khảo cổ, di tích; các nghiên cứu về văn hóa, dân tộc anh em để bảo tồn và phát huy, gắn với du lịch để phát triển; các nghiên cứu về sử dụng công nghệ bức xạ để bảo quản Mộc bản triều Nguyễn.
68% nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, chế biến
Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trên địa bàn tỉnh có 3 trường đại học, 3 viện nghiên cứu, 33 tổ chức khoa học và công nghệ, 7 doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Sản xuất rau trong nhà kính công nghệ thủy canh tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Ảnh minh họa |
Tỷ trọng đóng góp của nhân tố các yếu tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020: 26,84%; giai đoạn 2021-2023: 52,78%.
Trong 5 năm qua, có 166 nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ được thực hiện; trong đó 68% trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến.
Tỉnh có 2.065 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 37 nhãn hiệu cộng đồng được đăng ký xác lập quyền, đăng ký bảo hộ độc quyền ở nước ngoài cho 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương (thương hiệu “Rau Đà Lạt” tại thị trường Trung Quốc và Singapore; “Trà B’Lao” tại Trung Quốc và Nhật Bản).
Bên cạnh đó, có hơn 1.000 ý tưởng, phương án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp trung ương; trong đó, có 72 ý tưởng, phương án, khởi nghiệp được UBND tỉnh công nhận.
Về định hướng sắp tới để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực phát triển của tỉnh, phát huy hiệu quả các lợi thế, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; chế biến sâu các sản phẩm nông sản và phát triển thương hiệu nông sản gắn với du lịch.
Đưa Lâm Đồng phát triển thành trung tâm công nghiệp giống (nuôi cấy invitro), cung cấp cho cả nước và ngoài nước; phát triển công nghiệp sinh học; ứng dụng bức xạ hạt nhân trong việc tạo giống mới và sản xuất các chế phẩm phòng ngừa bệnh cho cây trồng…
Đẩy mạnh và phát triển một cách đồng bộ về chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, trong sản xuất và cung cấp dịch vụ. Năm 2025, Lâm Đồng sẽ thành lập Trung tâm chuyển đổi số thuộc UBND tỉnh, chuẩn hóa, thống nhất các dữ liệu đầu vào và sử dụng chung cho toàn tỉnh.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện cơ chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời, quan tâm các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho Lâm Đồng như: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về chế biến sâu nông sản, công nghiệp sinh học; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và trong y tế; các nhiệm vụ về chuyển đổi số... |