Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An - đoàn Cao Bằng cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cần quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Những chính sách đó đã đem lại nhiều kết quả to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, biểu hiện như là tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ, các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và vững chắc.
Đặc biệt, từ năm 2020 cho đến nay, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là chương trình được cử tri, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế - xã hội, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm được triển khai trong thực tế, đáp ứng “mong chờ” của người dân, bà Đoàn Thị Lê An kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương triển khai và đặc biệt cần có sự phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành cũng như rà soát các văn bản đã ban hành để điều chỉnh, hướng dẫn các địa phương cho kịp thời trong quá trình thực hiện.
“Hiện nay một số quy định tại các văn bản chưa rõ ràng và cụ thể, có những nội dung còn chồng chéo, gây khó trong quá trình triển khai thực hiện” - bà Đoàn Thị Lê An nhận định, đồng thời chia sẻ, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần ban hành các văn bản hướng dẫn về các tiêu chí, định mức, các nội dung mang tính chất lồng ghép để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng quy định và hiệu quả.
Từ thực tiễn phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc thời gian qua, đại biểu đoàn Cao Bằng nhận thấy, các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng, gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương, tạo đà phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác xuyên biên giới, hình thành một số khu nông nghiệp chất lượng cao, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có giá trị, bước đầu phát triển được hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng cũng như kết nối với thị trường rộng lớn là Trung Quốc. “Vấn đề tất yếu đặt ra là cần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng” - bà Đoàn Thị Lê An nói.
Bà Hoàng Thị Đôi - đại biểu Quốc hội đoàn Sơn La đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải quyết liệt, ưu tiên tập trung các nguồn lực, ban hành kịp thời các quy định hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là các chương trình mà đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện còn chậm, trong khi đó có chương trình như Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội khóa XIV thông qua đến nay đã được hơn 2 năm.
Theo đó, bà Hoàng Thị Đôi cho rằng, cần tiếp tục quan tâm có những chính sách, quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển cùng đất nước, góp phần giảm nghèo bền vững theo mục tiêu đề ra.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - đoàn Lai Châu đồng tình, đến nay các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ vốn nhưng để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để triển khai.
“Vì theo địa phương nắm được hiện mới có một bộ công bố chỉ tiêu nông thôn mới, 7 bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn; hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại thiếu rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, nội dung thành phần” - ông Hoàng Quốc Khánh nêu.
Cũng theo đại biểu đoàn Lai Châu, trong phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia cần công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, cơ quan cấp trên nên tập trung cho công tác hướng dẫn, kiểm tra là chủ yếu.
Ngoài ra, ông Hoàng Quốc Khánh cho hay, các tỉnh trong khu vực miền Tây Bắc nói chung, trong đó có tỉnh Lai Châu có diện tích rừng rất lớn, điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là một số cây dược liệu quý hiếm. Pháp luật về lâm nghiệp hiện hành quy định chỉ cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, không có quy định việc cho thuê môi trường rừng để phát triển kinh tế dưới tán rừng, như trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Trong khi người dân và doanh nghiệp có nhu cầu được phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ với quy mô lớn, tập trung sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, tạo thu nhập nâng cao đời sống.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có quy định để các địa phương được phép cho thuê môi trường rừng tự nhiên, rừng phòng hộ phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương” - ông Hoàng Quốc Khánh bày tỏ.