Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những hướng đi trọng tâm là đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn – nơi không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là không gian kết nối cộng đồng, mở lối sinh kế giúp người dân phát triển kinh tế một cách bền vững.
Đầu tư hạ tầng thương mại vùng sâu, vùng xa
Gia Lai là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, tập trung nhiều ở các huyện như Kbang, Kông Chro, Ia Grai, Phú Thiện, Krông Pa, Mang Yang… Trong quá khứ, do điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu các điểm giao thương cố định, nên người dân chủ yếu trao đổi hàng hóa theo hình thức tự phát, không ổn định và khó tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
![]() |
Chợ xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) được đầu tư, nâng cấp phục vụ nhu cầu mua bán của người dân |
Trước thực tế đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều dự án xây dựng chợ nông thôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, một số công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như chợ xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) và chợ xã Sró (huyện Kông Chro). Đây là những mô hình chợ quy mô nhỏ, nhưng được thiết kế phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.
Trong đó, chợ xã Kông Lơng Khơng sau khi được hoàn thiện đã trở thành điểm giao thương quan trọng của các hộ dân trong vùng. Những sạp hàng được phân chia rõ rệt, mái che kiên cố, nền lát gạch sạch sẽ, nước sạch và nhà vệ sinh được xây dựng đồng bộ… đã tạo nên diện mạo mới cho không gian buôn bán, từ đó thu hút người dân đến trao đổi hàng hóa ngày một đông.
Chị Ksor H’Miên (dân tộc Jrai) cho biết: “Trước đây, chợ họp chỉ vài người, lầy lội, bán hàng phải ngồi dưới đất. Giờ có chợ mới sạch sẽ, an ninh trật tự tốt, bà con ai cũng vui. Bán được hàng nhiều hơn, có tiền gửi tiết kiệm, nuôi con ăn học”.
Ông Trần Văn Nhơn - Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng - cho biết: “Xã đã miễn tiền thuê mặt bằng kinh doanh cố định tại chợ trong 2 năm (2024-2025) để tạo điều kiện cho các hộ vào hoạt động. Chúng tôi cũng đã thành lập tổ công tác kiểm tra các hoạt động thương mại, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”.
![]() |
Sau khi được hoàn thiện, các khu chợ đã trở thành điểm giao thương quan trọng của các hộ dân trong vùng |
Hiện tại, 4 dự án chợ khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng gồm: chợ xã Ia Lang (huyện Đức Cơ), chợ xã Ia Mláh (huyện Krông Pa), chợ xã Ia Bă (huyện Ia Grai) và chợ xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện). Ngoài ra, chợ xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) đang được lên kế hoạch xây dựng trong năm 2025.
Các dự án này được triển khai với mục tiêu không chỉ là phát triển hạ tầng thương mại, mà còn tạo nền tảng để người dân phát triển sinh kế bền vững, tăng thu nhập và ổn định đời sống lâu dài.
Mở lối sinh kế bền vững cho người dân
Không giống với chợ ở thành thị, chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là không gian văn hóa đặc trưng, phản ánh đời sống tinh thần và tập quán sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc như Jrai, Bahnar.
Tại đây, người dân thường mang đến bán các sản vật của núi rừng như rau rừng, cá suối, măng tươi, thổ cẩm, mật ong, rượu cần… Những mặt hàng này không qua thương lái, hoàn toàn do bà con tự làm, tự khai thác. Việc có chợ cố định giúp các sản phẩm truyền thống có chỗ đứng, được duy trì và phát huy giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng và xu hướng tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm bản địa.
Việc hình thành hệ thống chợ ở vùng dân tộc thiểu số đã mở ra cơ hội lớn trong việc kết nối giao thương giữa người dân vùng sâu, vùng xa với thị trường khu vực và cả nước. Trước đây, do thiếu điểm bán hàng ổn định, nông sản, đặc sản địa phương thường chỉ quanh quẩn trong phạm vi làng xã, giá trị thấp và dễ bị thương lái ép giá. Nay, khi có chợ, người dân chủ động mang hàng ra bán với giá tốt hơn, giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng hoặc đơn vị thu mua.
![]() |
Sản phẩm văn hoá đặc trưng của đồng bào Jrai, Bahnar được nhiều người biết tới hơn khi bày bán tại chợ truyền thống |
Không chỉ vậy, nhiều chợ còn trở thành nơi giao thoa hàng hóa giữa vùng miền, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với giá cả hợp lý hơn. Đặc biệt, chợ còn là đầu mối giúp nông sản địa phương từng bước vươn ra thị trường lớn, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình đầu tư, xây dựng chợ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, nổi bật là vấn đề giải phóng mặt bằng, quỹ đất phù hợp và thủ tục hành chính.
Một số nơi, do tập quán canh tác du canh, du cư hoặc không có giấy tờ đất đầy đủ, việc quy hoạch khu vực xây dựng chợ gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, kinh phí đầu tư còn hạn chế, phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương nên tiến độ đôi lúc bị chậm trễ.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thi công công trình. Đồng thời, tỉnh cũng huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để cùng chung tay phát triển hạ tầng thương mại vùng khó khăn.
Với vai trò là đầu mối kết nối kinh tế - văn hóa – xã hội, các chợ không chỉ thúc đẩy hoạt động giao thương mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống, xây dựng cộng đồng dân cư ổn định và năng động. Đây chính là nền tảng để Gia Lai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển ngang bằng với các khu vực khác.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, đa phần chợ trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đã xuống cấp, nhu cầu xây mới, cải tạo, nâng cấp lại các chợ để phục vụ cho việc mua bán, trao đổi của người dân rất cần thiết.
“Thời gian tới, khi các chợ trên địa bàn hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên diện mạo khang trang cho chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi chợ đi vào hoạt động sẽ được kỳ vọng từng bước làm thay đổi thói quen, tư duy, nhận thức của bà con dân tộc thiểu số trong việc trao đổi mua bán hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương” - ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện đã có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Pleiku; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa); có 94 xã, 162 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 131 thôn, làng vùng dân tộc thiểu số); 454 sản phẩm OCOP, 5 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. |