60 doanh nghiệp tham dự “Hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022”
Ngày 8/7, Sở Công Thương Quảng Bình đã tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022” với sự tham dự của gần 120 đại biểu, trong đó gần 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối, các tổng đại lý, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022 |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho hay, chương trình lần này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh; đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu, phương thức cung ứng, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường kinh doanh, tăng cơ hội hợp tác đầu tư và ký kết các biên bản ghi nhớ kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm, hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Ông Lê Mậu Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình cho hay, “Hội nghị kết nối giao thương Quảng Bình năm 2022” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm tạo cơ hội giao lưu hợp tác kinh tế, kết nối giao thương, hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực và thúc đẩy tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà phân phối của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Gian hàng trưng bày của doanh nghiệp tại Hội nghị |
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến, trao đổi cùng giúp nhau phát triển sản phẩm. Theo đó, đại diện hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh chia sẻ, trong quá trình kết nối giao thương còn có một số vấn đề khó khăn liên quan đến hồ sơ pháp lý cho các sản phẩm hàng hoá vào các hệ thống bán lẻ cao cấp, do đó cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Đại diện Công ty Cổ phần thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu chia sẻ, những năm vừa qua sản xuất nước mắm gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường nước mắm truyền thống trong nước bị các sản phẩm nước mắm công nghiệp cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Do đó, doanh nghiệp đã chọn hướng đi riêng là tìm kiếm đối tác Nhật Bản để cùng kết nối đưa sản phẩm ra thị trường. Sau quá trình nghiên cứu, đáp ứng đủ tiêu chí, hệ thống chất lượng áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra do đó trong năm 2021-2022 đã xuất được 21 container qua Nhật Bản.
Đại diện Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm chia sẻ, đối với sản phẩm sâm Bố Chính của đơn vị phát triển tại Quảng Bình là một nguồn dinh dưỡng cao cấp đang được đa dạng khách hàng lựa chọn, đặc biệt là các nhà hàng. Công ty cũng đã phát triển một chuỗi nhà hàng các món ăn về sâm, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tác động không nhỏ đến doanh thu và thương hiệu sản phẩm. Qua hội nghị, công ty muốn kết nối với các nhà phân phối trên khắp cả nước, để đưa sản phẩm quốc dân đến từng nhà, từng người sử dụng.
Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc kết nối giao thương qua nhiều hình thức, nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm.