Sơn La: Tìm đầu ra ổn định cho chè shan tuyết Tô Múa
Chè Tô Múa có đặc điểm, lá to, búp dày, được mang từ huyện Đà Bắc (Hòa Bình) về trồng đến nay được khoảng 60-70 năm. Năm 1960, phong trào trồng chè được phát triển, nhân dân các bản Đá Mài, bản Mến, bản Dạo là những người tiên phong trong trồng chè kinh doanh của xã. Thương hiệu chè Tô Múa được khẳng định cả trong và ngoài nước, được xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu.
Chè Tô Múa được xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu. (Ảnh - CTV) |
Hiện Tô Múa có hơn 640ha chè shan tuyết, trồng tại 12 bản, 1 tiểu khu với trên 80% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất, kinh doanh chè. Toàn xã có 1.400ha đất sản xuất thì diện tích trồng chè chiếm gần một nửa. Cây chè đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân trên địa bàn.
Thời gian qua, UBND xã đã thực hiện các giải pháp phát triển bền vững cho cây chè như xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; khuyến khích người dân trồng và chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, VietGAP; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, chế biến chè, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với người trồng chè.
Mỗi năm chè Tô Múa cho thu từ 5-6 lứa, năng suất bình quân đạt 18-20 tấn/ha/năm. Sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 15.000 tấn/năm, được Công ty cổ phần trà Hưng Phát và một số doanh nghiệp thu mua với giá 5.500 - 6.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ trồng chè trong xã.
Đồi chè cổ thụ ở Tô Múa. (Ảnh - CTV) |
Thực hiện mục tiêu phát triển và nâng tầm thương hiệu cây chè, UBND xã Tô Múa thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng chè, nhằm đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân các bản sản xuất chè chất lượng cao; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu chè chất lượng cao Tô Múa trên thị trường.
Trước đó, đầu năm 2022, đoàn công tác của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã đến xã Tô Múa để khảo sát, đánh giá cây chè cổ thụ và đã lựa chọn 100 cây đủ điều kiện công nhận “Cây Di sản Việt Nam”, số cây còn lại được đưa vào tổng thể vùng cây chè cổ thụ cần được gìn giữ, bảo tồn.
Qua đánh giá, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhận định vùng chè cổ thụ ở Tô Múa là cả một quần thể đẹp, ngoài thu hoạch búp chè, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng cách sẽ là điểm du lịch sinh thái để mọi người có thể đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ này.
Việc công nhận Cây di sản Việt Nam cho 100 cây chè Shan tuyết ở xã Tô Múa là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, vinh danh những giá trị độc đáo, tiêu biểu về cảnh quan môi trường sinh thái ở Tô Múa; góp phần tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh. nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị cây chè của người dân trên địa bàn.