Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân
Nhận thức rõ vai trò của liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển nông nghiệp, nhiều hợp tác xã ở Tuyên Quang đã tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương là một trong những hợp tác xã đi đầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc liên kết với bà con nông dân, từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Đơn vị đã xây dựng thành công mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng đến chế biến, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn.
Hiện tại trên địa bàn Tuyên Quang xuất hiện ngày càng nhiều điểm bán và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tiêu biểu của địa phương. Ảnh: ĐL |
Hiện nay, hợp tác xã có 3 cửa hàng giới thiệu và bán hơn 400 sản phẩm OCOP là nông sản đặc trưng của các địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm trong tỉnh đều do hợp tác xã trực tiếp liên kết với bà con để sản xuất và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương, Tuyên Quang cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang triển khai các chuỗi liên kết với các hộ dân và đã mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế, khi người dân sản xuất ra sản phẩm, hợp tác xã sẽ bao tiêu. Trong quá trình triển khai chúng tôi sẽ cung ứng đầu vào, có các hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra cho bà con. Hợp tác xã đã duy trì được nguồn hàng thường xuyên cung cấp cho đối tác trong và ngoài tỉnh".
Ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn là một trong những hộ được chọn xây dựng vườn mẫu tại địa phương, qua đó giúp ông có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo được sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; khu vực trồng cây ăn quả, rau xanh, chuồng trại chăn nuôi và nuôi ong theo chuỗi liên kết với diện tích vườn mẫu khoảng 5.000m2. Từ đó, thu nhập của gia đình tăng lên; bình quân 5 triệu đồng/tháng và đến nay đã tăng lên 20 triệu đồng/tháng.
Hết năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 49 sản phẩm được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt đạt sản phẩm OCOP (12 sản phẩm đạt hạng bốn sao, 37 sản phẩm đạt hạng ba sao); có 54 sản phẩm xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm. Năm 2024 có 14 sản phẩm chăn nuôi đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn… nhiều mô hình kinh tế vùng nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, Sơn Dương đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Vùng chè 1.808,2ha, vùng mía 1.706,5ha, vùng cây dược liệu 56,2ha, vùng trồng rau các loại 459,9ha, cây lâm nghiệp 31.473,6ha. Tổng đàn vật nuôi hiện là hơn 18 nghìn con trâu, gần 13 nghìn con bò, 177 nghìn con lợn, 1,7 triệu con gia cầm.
Nhiều nông dân ở Sơn Dương đang mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ hướng truyền thống sang hiện đại. Hàng loạt các sản phẩm đạt chuẩn được cấp chứng nhận OCOP phản ánh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang phát huy hiệu quả tích cực và được triển khai nhân rộng trên địa bàn Sơn Dương nói riêng và toàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm gần đây. Đây cũng là định hướng sản xuất nhất quán đang được tỉnh Tuyên Quang chú trọng khuyến khích và hỗ trợ người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương, hiện địa phương này có trên 8.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó, đã tạo việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động tại địa phương và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường, không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thông minh ở địa phương.
Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Thời gian qua, Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc phát triển các mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều chuỗi liên kết đã được hình thành mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân và đơn vị trong chuỗi liên kết.
Vùng chè hàng hóa ở Mỹ Lâm TP. Tuyên Quang rộng trên 50 ha, năng suất đạt 30 tấn/ha. Ảnh: TTĐTTQ |
Năm 2024, Tuyên Quang được giao vốn 225.377,4 triệu đồng để triển khai Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG 1719. Tính đến hết tháng 10/2024, địa phương đã giải ngân 49.901,0 triệu đồng, đạt 22,1% kế hoạch vốn/năm.
Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, xây dựng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, địa phương luôn khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, xây dựng sản xuất tập trung…; quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã được tiếp cận các chính sách liên quan về vốn, khoa học - kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, sự nghiệp nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả.
Hiện nay tỉnh Tuyên Quang có gần 120 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đang hỗ trợ 40 dự án từ nguồn vốn của các chương trình quốc gia với số vốn trên 130 tỷ đồng.
Mới đây, UBND Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch Khuyến nông năm 2025 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Với những mục tiêu cụ thể từ Kế hoạch Khuyến nông năm 2025 và nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, tin rằng, sẽ có nhiều chuỗi liên kết sản xuất được hình thành, phát huy hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, nâng cao thu nhập, mang lại cuộc sống ấm no cho người làm nông nghiệp.