Ông Lê Triệu Dũng: Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cạnh tranh, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Trong khuôn khổ chuyến công tác đến Bulgaria, ngày 14/5/2024, tại Thủ đô Sofia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham dự Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria.
Tham dự Tọa đàm, về phía Đoàn công tác Việt Nam có: Ông Đỗ Hoàng Long - Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, đại diện Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại diện của một số bộ, ngành và các đơn vị doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Bulgaria, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria Nikolay Pavlov; ông Ivan Kashukeev - Thành viên Ban Hội đồng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI); hiệp hội, doanh nghiệp Bulgaria.
Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm |
Tại Toạ đàm, thông tin về hệ thống pháp luật cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã nỗ lực để tạo môi trường kinh doanh cởi mở, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các nỗ lực này thể hiện qua việc chủ động gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có các đối tác lớn như EU.
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam khẳng định, cùng với việc mở cửa thị trường, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cạnh tranh theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp trên thị trường. Đến nay, hệ thống khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh đã từng bước được hoàn thiện, cụ thể:
Một là, về thể chế, pháp luật. Theo lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam, Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được ban hành năm 2004. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã dần bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập. Do đó, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được thông qua năm 2018, và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
So với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 được xây dựng trên cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả thực thi, có những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó có: mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Luật quy định điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam cho dù hành vi được thực hiện ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng quy định bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan vào đối tượng áp dụng nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh...
Triển khai Luật Cạnh tranh 2018, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định hướng dẫn, thực thi luật: (i) Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh; (ii) Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh; (iii) Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Hai là, về hoàn thiện mô hình, tổ chức cơ quan cạnh tranh: Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định hệ thống hai cơ quan cạnh tranh độc lập thực thi pháp luật cạnh tranh bao gồm (i) Cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) và (ii) Hội đồng Cạnh tranh (HĐCT).
Trên tinh thần nhất thể hóa mô hình một cơ quan cạnh tranh để đảm bảo tính kết nối, liên tục và thông suốt trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi phản cạnh tranh nhằm khắc phục được những hạn chế của mô hình hai cơ quan cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan đơn nhất tổ chức triển khai thực thi Luật Cạnh tranh.
Tọa đàm nhận được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp Bulgaria |
Do vậy, để thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh, Việt Nam luôn đặt ra định hướng, mục tiêu:
Thứ nhất, tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường; từ đó thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như giảm giá cả và tăng cường lợi ích cho người tiêu dùng.
Thứ hai, tăng cường thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh giúp ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh có thể gây cản trở, ngăn cản, hạn chế cạnh tranh trên thị trường như hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp; điều này tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường, thúc đẩy việc các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh; tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh các cơ quan cạnh tranh trong các vấn đề về cạnh tranh có tính chất xuyên biên giới. Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (VCC) đã có MOU với cơ quan cạnh tranh các nước Nhật Bản, Úc và dự kiến sắp tới sẽ có MOU với cơ quan cạnh tranh Hàn Quốc.
Thứ tư, thực thi hiệu quả các cam kết về chính sách cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu u (EVFTA, trong đó bao gồm Bulgaria là thành viên), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á u (VN – EAEU FTA), nhằm góp phần nâng cao môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả và thực thi hiệu quả các lợi ích từ thương mại, đầu tư mà các Hiệp định này mang lại cho các quốc gia thành viên.
Chủ tịch Lê Triệu Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh, trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hướng tới xây dựng, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo ra sân chơi bình đẳng cởi mở cho các doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông qua các hình thức tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp khác; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên đối với các tổ chức quốc tế về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng mà Ủy ban là thành viên; ký kết và triển khai MOU hợp tác về cạnh tranh và người tiêu dùng với cơ quan đối tác tiềm năng; Đàm phán và thực hiện các cam kết về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và các nội dung có liên quan tại các FTAs song phương/đa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, v.v.
Ông Lê Triệu Dũng kỳ vọng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam sẽ có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với cơ quan cạnh tranh của Bulgaria để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và học hỏi từ nhau. Qua đó, giúp tăng cường môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả và thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của cả hai nước.