Thứ ba 26/11/2024 09:15

Nghệ An: Chuyển đổi thành công mô hình cây trồng trong hành lang lưới điện

Bài toán đảm bảo an toàn hành lang, hạn chế sự cố do khai thác rừng trồng ở vùng cao đã có lời giải từ mô hình chuyển đổi cây trồng trong hành lang lưới điện.

Mô hình trồng cây dược liệu trong hành lang lưới điện ở xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), được đánh giá là hướng đi vừa tạo an toàn, vừa mang tính bền vững.

Hiệu quả kép từ mô hình ở Yên Hợp

Bắt đầu từ tháng 10/2022, UBND xã Yên Hợp đã xây dựng kế hoạch về “Xây dựng mô hình Trồng cây dược liệu dưới lưới điện cao thế”. Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hành lang lưới điện nhằm bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao thế 35kV, tránh chạm chập gây mất điện cục bộ trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo tận dụng đất dưới hành lang lưới điện cao thế 35kV, góp phần cải tạo đất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Người dân xã Yên Hợp kết hợp trồng cây dược liệu dưới hành lang tuyến điện.

Ông Chu Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết trước đây, bà con xã Yên Hợp thường trồng keo dưới hành lang lưới điện cao áp, vào mùa mưa bão hoặc khi khai thác keo đã xảy ra những sự cố đáng tiếc. Từ cuối năm 2022, chính quyền địa phương đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới hành lang lưới điện.

Kỹ lưỡng chăm từng luống dược liệu dưới hành lang lưới điện bà Lang Thị Kiệm, người dân xã chia sẻ: Cái khó ban đầu khiến nhiều người phân vân là việc trồng keo đỡ mất công chăm sóc, trong khi cây trồng khác lại đòi hỏi nhiều công ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, “Khi nghe chính quyền vận động, được sự hỗ trợ của cấp trên về chi phí đầu tư ban đầu, được tập huấn kỹ thuật trồng, bao tiêu sản phẩm nên tôi đồng ý chuyển đổi. Vừa có lợi cho phát triển kinh tế gia đình, vừa đảm bảo an toàn cho lưới điện…”, bà Kiệm vui vẻ.

Tương tự, gia đình anh Hún Lá Dũng ở xóm Hợp Thành (xã Yên Hợp) trước đây trồng keo, nhưng do cây keo cao nên vào mùa mưa bão thường bị gãy đổ, va chạm vào dây điện gây chập điện.

Cùng với đó là đến khi thu hoạch, chiều cao của cây keo lên đến 20-30m nên rất khó khai thác, đã có trường hợp, khi cắt keo, cây vướng vào dây điện, gây mất điện cục bộ. Tuy nhiên, nếu để đất trống thì rất lãng phí; trong khi đó, trồng các loại cây trồng khác thì việc chăm sóc chiếm nhiều thời gian.

Dưới hành lang an toàn lưới điện là các loại cây dược liệu, tán thấp (chưa đầy 2m), mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ cuối năm 2022, khi xã có kế hoạch về chuyển đổi cây trồng dưới hành lang an toàn lưới điện, tôi đã đăng ký tham gia. Hiện nay, trên diện tích đất dưới lưới điện cao thế, gia đình đã chuyển sang trồng cây xạ đen. Sau 2 tháng trồng, cây phát triển tốt. Loại cây này vừa thích ứng tốt với điều kiện đất đai, khí hậu, vừa là cây lâu năm, trồng một lần, thu hoạch 7-8 năm mới phải thay thế…”, anh Dũng cho biết.

Việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, hạn chế các sự cố lưới điện do khai thác các rừng trồng là bài toán nan giải và tốn nhiều công sức của các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, nhất là đối với các địa bàn miền núi. Tuy nhiên, từ việc chuyển đổi cây trồng trong hành lang lưới điện mang lại hiệu quả cũng xem như có lời giải.

Ông Đậu Đình Hợp - Giám đốc Điện lực huyện Quỳ Hợp cho biết, địa bàn xã Yên Hợp có tuyến đường dây 35kV từ trạm 110 Quỳ Hợp cấp cho các xã trên địa bàn và một phần huyện Quỳ Châu. Trước đây, người dân sử dụng đa phần diện tích đất để trồng cây keo với đặc tính cây phát triển nhanh. Đến khi thu hoạch, chiều cao các cây trồng có thể lên đến 30m. Trước ảnh hưởng của thiên tai hoặc khi thu hoạch, cây gãy đổ, dẫn đến nguy cơ gây sự cố lưới điện.

Yên Hợp là địa phương đầu tiên của huyện Quỳ Hợp áp dụng chuyển đổi cây trồng trong hành lang lưới điện, nhiều người dân lựa chọn trồng cây dược liệu phía dưới hành lang. Thực tế mô hình của người dân, lợi ích mang lại đáp ứng được mục tiêu kép.

Theo ông Chu Ngọc Tân, qua chương trình tập huấn bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp do Sở Công Thương và ngành điện lực, xã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; đồng thời, kêu gọi hỗ trợ người dân mua giống cây trồng phù hợp để thực hiện chuyển đổi; bước đầu, đem lại giá trị kinh tế, giải quyết được bài toán lãng phí nguồn đất trong hành lang lưới điện.

Nên nhân rộng

Theo các quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, trong đó Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ (Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện) nhấn mạnh khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây bị đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây đối với cấp điện áp đến 35kV là 0,7m (khoản 2, điều 12).

Công nhân điện lực phát quang hành lang an toàn lưới điện

Việc giải phóng hành lang an toàn lưới điện để lại một diện tích đất trống, không sử dụng khá lớn. Trong khi đó, quan điểm của ngành điện là đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của người dân và ngành điện, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.

Công ty Điện lực Nghệ An hy vọng có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả như tại xã Yên Hợp cũng như địa phương lân cận để hiện thực hóa nội dung tuyên truyền cùng ngành điện chung tay bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Ông Chu Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hợp cho biết: “Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hành lang lưới điện cao thế 35kV nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế của xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các hộ dân tham gia chuyển đổi sẽ được hỗ trợ kinh phí về giống, vật tư, phân bón; được tập huấn khoa học kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm. Theo đó, tổng diện tích thực hiện mô hình là 5ha tại 3 tuyến: Tuyến 1: Từ xóm Trọng Cánh đến xóm Dé; Tuyến 2: Từ xóm Thái Lão vào xóm Bọc; Tuyến 3: Từ xóm Cầu Đá vào xóm Khạng. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 300 triệu đồng”.

Tính đến thời điểm này, toàn xã Yên Hợp đã có 30 hộ chuyển đổi cây keo sang trồng cây dược liệu dưới lưới điện cao thế với diện tích gần 1,5ha. Theo đánh giá ban đầu, cây dược liệu như: Cà gai leo, lá khôi tím, xạ đen, bách bộ, macca, đinh lăng phát triển tốt, vốn đầu tư không nhiều, không tốn công chăm sóc và chu kỳ khai thác kéo dài từ 7-10 năm. Đặc biệt, dược liệu bà con làm ra được một hợp tác xã đứng chân trên địa bàn bao tiêu toàn bộ.

Theo lãnh đạo Điện lực Quỳ Hợp và các địa phương trong huyện, sắp tới sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu, qua đó tạo ra nhiều hướng đi mang lại hiệu quả hài hòa giữa đảm bảo an toàn sản xuất trong hành lang lưới điện mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Sơn La dành nguồn lực lớn cho chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc