Bảo tồn cây dược liệu
Với gần 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý hiếm có giá trị sử dụng phổ biến. Cùng với các chính sách hỗ trợ của địa phương, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, cây dược liệu đang dần tìm được chỗ đứng trong cơ cấu cây xóa đói giảm nghèo tại một số huyện vùng núi cao, của tỉnh Nghệ An.
Miền Tây Nghệ An có hơn hàng chục loài dược liệu quý hiếm, phân bố tại các huyện rẻo cao có độ dốc lớn như, các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu...
Mô hình trồng cây dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cho bà con miền núi so với trồng ngô, mía. |
Tại “cổng trời” xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, nhiều năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống thuộc Tập đoàn TH đã triển khai vùng sản xuất dược liệu với diện tích 136 ha nằm trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm, hiện nay tại đây đã tiến hành trồng và khảo nghiệm 12 loại dược liệu khác nhau và cho kết quả khả quan. Trong đó có các giống chủ lực như: sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, tam thất bắc, lan thạch hộc tía, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, la hán quả, hà thủ ô đỏ...
Trong đó theo nhiều nhà nghiên cứu, đáng chú ý nhất, loài sâm Puxailaileng trên đất Kỳ Sơn được phát hiện trên núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700m. Giống sâm này được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng ngang bằng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Hơn thế, lần đầu tiên tại Nghệ An giống sâm Puxailaileng được nhân giống từ mô tế bào với tỷ lệ thành công khoảng 30%.
Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ biến mất của thảm dược liệu miền Tây Nghệ An do bị khai thác quá mức, chưa có các giải pháp bảo tồn. Từ năm 2013, tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5529/QĐ-UBND phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, đưa vào danh mục 34 nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật bảo tồn theo từng giai đoạn.
Từ năm 2015 - 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An đã tiến hành điều tra, rà soát trên địa bàn 6 huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống.
Được biết năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, mục tiêu phấn đấu bảo tồn 38 loài cây thuốc với tổng diện tích 15ha tại 3 khu bảo tồn gồm: Liên Hợp (Quỳ Hợp), Hạnh Dịch (Quế Phong) và Mường Lống (Kỳ Sơn). Khai thác 17 loài, nhóm cây dược liệu tại 13 huyện, thị xã với sản lượng dự kiến hàng năm khoảng 900 tấn. Xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm cây dược liệu với tổng diện tích 905ha tại 11 huyện, thị xã.
Qua đó xác định được 28 nguồn gen cây thuốc quý, trong đó có 19 loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trung tâm đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt danh mục bổ sung 17 nguồn gen dược liệu quý, hiếm và nguồn gen cây chè tuyết Shan đặc sản quý vào danh mục đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020.
Sở KH&CN Nghệ An đã xây dựng mô hình bảo tồn nguyên vị tại khu rừng Na Phông và Huôi Cá thuộc xã Hạnh Dịch với diện tích 5 ha, bảo tồn 60 cá thể trà hoa vàng trên 3 tuổi, đang ra hoa. Sở KH&CN cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm 2 mô hình tại các xã Tri Lễ, Hạnh Dịch, tỷ lệ sống đạt 97%.
Tạo sinh kế bền vững cho bà con trồng dược liệu
Tại huyện Con Cuông, bà con vùng dân tộc ở đây trồng dược liệu tại vùng đệm Pù mát từ rất sớm. Tuy nhiên, chỉ với diện tích nhỏ lẻ, mãi đến năm 2016, khi công ty CP Dược liệu Pù Mát của anh Phan Xuân Diện ra đời đã thay đổi thói quen trồng dược liệu của bà con.
Anh Phan Xuân Diện – Giám đốc công ty CP Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) cho hay, ban đầu từ mô hình ban đầu trông thí điểm cây cà gai leo, cây thìa canh, đến nay Công ty đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 4 ha, đồng thời thực hiện liên kết trồng cây dược liệu với hàng chục hộ dân trong vùng. So với các loại cây trồng khác như mía, ngô… thì cây dược liệu như trà gai leo, cây thìa canh... giúp bà con có thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha/năm.
Tại huyện miền núi Con Cuông, hô hình trồng cây dược liệu đã tạo sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây. |
Cũng theo anh Diện, điều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An rất phù hợp các loại cây dược liệu phát triển nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Trước đây, anh Diện từng công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông, và được giao phụ trách dự án trồng cây dược liệu trên địa bàn. Đến năm 2016, với niềm đam mê với cây dược liệu, anh quyết định nghỉ làm ở huyện và thành lập công ty để tập trung phát triển cây dược liệu. Sau nhiều nỗ lực đến nay, công ty đã mở rộng vùng dược liệu cho và con trong vùng. cơ sở chế biến đã hoàn thiện, anh Diện đã phát triển thành công 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao dưới dạng trà, bột, cao. Thị trường tiêu thụ mở rộng tới hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Thời gian tới, công ty tiếp tục xúc tiến xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử.
Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án.
Hiện tại, diện tích vùng trồng dược liệu ở địa phương này của Công ty cổ phần Dược liệu Mường Lống (thuộc Tập đoàn TH) đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 -10 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Anh Lầu Bá Trong - người dân trồng dược liệu ở xã Na Ngoi chia sẻ: Trước đây, ở địa phương không có việc làm, anh phải đi lao động tận ngoài Bắc. Mỗi tháng, anh có thu nhập 6-7 triệu đồng. Trừ chi phí đi lại, ăn ở, số tiền còn lại rất ít. Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty không có việc làm, anh buộc phải trở về quê. Anh đã may mắn được nhận vào Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống làm việc. Được đào tạo kỹ thuật, làm việc gần nhà, mức lương hơn 8 triệu đồng là niềm mơ ước của nhiều thanh niên trong vùng. Hy vọng thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo việc làm để lao động địa phương không phải đi xa làm ăn nữa.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, ở đây bà con có tập tục đốt nương làm rẫy khiến những cánh rừng thu hẹp dần. Trong khi trình độ, nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, việc lựa chọn cây trồng phù hợp gặp nhiều khó khăn. Cùng với xu thế sử dụng dược liệu từ thiên nhiên, người dân địa phương cùng một số doanh nghiệp đã bắt đầu thí điểm trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mô hình trồng dược liệu của Công ty CP Dược liệu Mường Lống (thuộc Công ty CP Dược liệu TH) ở Na Ngoi, đến nay đã mở rộng được 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Ông Trịnh Hiền Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu TH, cho hay các hoạt động sản xuất, doanh nghiệp luôn ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương. Từ những người nông dân vốn chỉ biết làm nương, làm rẫy, người lao động được tuyển làm công nhân, được đào tạo các kỹ thuật canh tác hiện đại, kỹ năng sản xuất trong nhà xưởng, nâng cao năng lực và dễ dàng thích nghi với các yêu cầu sản xuất hiện đại, được đảm bảo về BHXH, BHYT.
Đặc biệt, công ty cũng chủ trương tạo các mô hình sản xuất điểm để người dân tham quan học hỏi, từ đó, có thể tự sản xuất với sự đồng hành của doanh nghiệp trong cả vấn đề kỹ thuật và thu mua, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập ngay trên chính ruộng nương của mình. Cách làm này hiệu quả hơn nhiều so với chặt cây làm rẫy như trước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết: Thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với cây ngô và gấp 2 - 6 lần so với cây keo. Tuy nhiên, cây dược liệu yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu…
Do đó, muốn phát triển dược liệu, điều cốt lõi nhất vẫn là thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm. Đây là tiền đề để tỉnh triển khai chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm trong phát triển cây dược liệu. Và thực tế, bước đầu một số dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt.