Người dân vùng cao ít quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm |
Quá nhiều vi phạm về ATTP
Đoàn giám sát của Quốc hội về ATTP cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vời sự tham gia của các ngành chức năng: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo... tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở; phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm, cụ thể, tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng (năm 2011) lên 3,73 triệu đồng (năm 2016)... Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các Bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP.
Trong giai đoạn 2011-2016, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP; tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa là 90,084 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 14.787 cuộc kiểm tra về ATTP đối với 151.017 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; xử phạt cảnh cáo 11.324 cơ sở (chiếm 7%), xử phạt tiền 6.138 cơ sở (chiếm 4%) với tổng số tiền phạt là 18.968 triệu đồng.
Nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương
Tuy nhiên, thực phẩm bẩn vẫn đang là “quốc nạn” và nhiều nguyên nhân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến, trong đó có những nguyên nhân dường như là bất khả kháng. Đó là việc nước ta mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP được trên 10 năm, một thời gian quá ngắn để giải quyết vấn đề quá lớn đó là vấn đề ATTP, trong khi xuất phát điểm của công tác quản lý ATTP ở Việt Nam ở mức thấp.
Những quán ăn ở chợ vùng cao thường không đảm bảo an toàn thực phẩm |
Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP ở nước ta còn thấp. Kinh phí giai đoạn 2001 – 2005 là 780 đồng/người/năm), giai đoạn 2006 - 2010 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, năm 2014 kinh phí lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013, do vậy giai đoạn 2011- 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, đây là mức rất thấp so với các nước khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, vi phạm về ATTP có thể bị tù chung thân, tử hình. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhẹ nhất là 2 – 5 năm tù. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội phạm liên quan tới vấn đề ATTP.
Song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, luật có đầy đủ nhưng xử lý rất khó. Vì không có tiêu chí nào đánh giá sức khỏe tổn hại như thế nào. Chính vì vậy, nghe rất nghiêm khắc nhưng lại không xử được ai. Như vậy, tính nghiêm khắc không còn.
Trong báo cáo của Chính phủ nêu, giai đoạn 2011 -2016, số vi phạm về ATTP chuyển xử lý hình sự là 300 vụ nhưng chỉ khởi tố được một số ít các vụ. Về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng, Bộ Luật Hình sự có quy định các tình tiết gây hậu quả: nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại chưa được cụ thể hóa hậu quả này là như thế nào nên việc xử lý rất khó. Hơn nữa, việc giám định người bị ảnh hưởng, độc tố cũng rất khó khăn vì nhiều khi hậu quả không xảy ra ngay.
Thực tế, các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ ràng nhưng những người có trách nhiệm không thực thi đầy đủ. Để xảy ra các vụ mất ATTP ở các địa phương, trách nhiệm của các bộ là rất lớn, nhưng tai mắt của các bộ không thể về hết các địa phương. Vấn đề hiện nay là các địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP chứ không nên đổ lỗi cho các quy định của pháp luật.