Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi qua phát triển văn hóa, du lịch
Kinh nghiệm hay từ Tuyên Quang
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang chia sẻ tại tọa đàm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi qua phát triển văn hóa, du lịch do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 1/12, Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, là một tỉnh có thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn. Những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã quan tâm đến chất lượng hàng hóa, cũng như phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản.
Đối với tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Tuyên Quang đã tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều kênh phân phối, cả truyền thống và hiện đại. Như việc đưa vào siêu thị, vào các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng, cửa hiệu có thương hiệu; và qua các kênh truyền thống như các chợ, các thương lái. Đặc biệt là trong năm vừa qua, cùng với việc phát triển du lịch - văn hóa thì việc tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang đã có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, du khách đến Tuyên Quang rất đông. Đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên của tỉnh tổ chức hàng năm đã thu hút một lượng du khách rất lớn với đối tượng rất phong phú. Khi đến Tuyên Quang thì khách du lịch cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương đó, có thể mua để sử dụng hoặc đem về làm quà tặng.
“Vì vậy, du khách thông qua các hoạt động văn hoá du lịch, đặc biệt du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi, muốn có những trải nghiệm, muốn mua sản phẩm của bà con nhân dân ở khu vực này trực tiếp sản xuất, trực tiếp chế biến để mang về làm quà cũng như tiêu dùng trực tiếp. Qua đó cũng thúc đẩy hoạt động du lịch, hoạt động văn hóa phát triển hơn, đồng thời tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu vùng xa” – ông Lộc Kim Liễn nói. Đồng thời khẳng định, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường và được bà con nhân dân khắp cả nước biết đến. Đặc biệt là các sản phẩm hiện nay đang có những chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi hay chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ, trên thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của du lịch thì ngày càng có sự thâm nhập lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này. Ở Hàn Quốc, họ đang dần dần có những hình thức này, những tour du lịch Hàn Quốc là họ đưa du khách vào những vùng nông nghiệp để xem xét những nơi sản xuất rượu, sản xuất hàng mỹ nghệ và đặc biệt là trải nghiệm các hoạt động, ví dụ như làm kim chi.
Ở Trung Quốc có những khu nông nghiệp sinh thái công nghệ cao đưa du khách vào đó để họ trải nghiệm, không chỉ cảnh quan mà cả những thành tựu công nghệ cao trong nông nghiệp.
Trong khi đó, Nga hay một số nước khác thì họ có những hình thức là đến các trang trại, đến những nông trại lớn để tham gia những sinh hoạt, thậm chí là ăn ở cùng với các người dân bản xứ ở đó, và nhiều những hình thức khác nữa. Tất cả tạo ra một sự cộng hưởng lẫn nhau, giữa sự phát triển của du lịch và nông nghiệp, đặc biệt là nó giúp cho việc quảng bá được mạnh mẽ hơn văn hóa của các nước ở các vùng miền mà nó gắn với du lịch nông nghiệp này.
Ở Việt Nam cũng đang phát triển dần theo hướng đó. Trên thực tế Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, thể hiện rất rõ ở chỗ chúng ta đã có hàng chục sản phẩm nằm trong top đầu xuất khẩu thế giới, và chúng ta đã có hàng trăm năm lịch sử phát triển nông nghiệp với những kinh nghiệm rất quý, du lịch cũng đang là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, đứng thứ 25 trên thế giới về tài nguyên du lịch, và chúng ta đứng thứ 75 thế giới tiềm năng khách du lịch.
Phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương tăng tiêu thụ sản phẩm |
“Sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt” - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói. Đồng thời chia sẻ, nếu như trước đây chúng ta nghĩ rằng chỉ có du lịch kết hợp với nông nghiệp phổ biến ở những vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là những vườn trái cây, thì đã hình thành những hình thức kết hợp du lịch với ăn ở tại vùng có vườn trái cây lớn.
Nhưng hiện nay, ở Tây Bắc hoặc miền Trung cũng dần dần xuất hiện những hình thức đi du lịch ở những nông trường, ở những trang trại, ở những khu mà có những sản phẩm đặc sản, thậm chí những homestay mà ở đó chúng ta có thể ăn ở cùng với chủ nhà và tham gia những sinh hoạt sản xuất, thu hái cùng với gia chủ những đặc sản ở địa phương và điều này được thực hiện thông qua những tổ chức du lịch chuyên nghiệp, hoặc là thông qua sự phát triển tự thân của các gia đình đó, cũng như những địa phương đó, trực tiếp lên mạng hoặc trực tiếp thực hiện những tour du lịch, dẫn du khách đến.
Ông Nguyễn Minh Phong nhận định: “Tất cả những sự kết hợp như vậy, đã giúp cho thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nông nghiệp. Thông qua không chỉ các kênh truyền thống như là bán hàng tại chợ hoặc là thông qua các siêu thị hoặc là những hình thức khác thì việc khách du lịch đến tại vườn ăn ở và thu hái, mua sắm đã tạo ra một sự trải nghiệm mới cho du khách, đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch”.
Giữ chất “thô mộc” trong sản phẩm miền núi
Chia sẻ về kinh nghiệm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua du lịch, ông Nguyễn Minh Phong nói, Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp và Việt Nam cũng là một cường quốc du lịch, rõ ràng là hai lĩnh vực này đều là cường quốc thì việc kết hợp giữa hai điểm với nhau sẽ giúp cho cả hai thế mạnh đó nó được tôn vinh lên. Đồng thời tạo ra hiệu quả kết nối, cũng như là hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hoạt động này cũng cao hơn.
Vấn đề về văn hóa của đồng bào đâu đó có chưa chuẩn về phương thức sản xuất và do đó cũng hạn chế vấn đề xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, du lịch văn hóa có một khía cạnh rất đặc biệt vì nhiều khi ngay hiện tại nó thực sự văn minh hay là chưa thực sự tiên tiến trong phương thức sản xuất, hay của lối sống đồng bào cũng lại là một sự hấp dẫn về văn hóa đối với khách du lịch. Nói cách khác là nhiều khi khách du lịch họ đến, không phải vì địa phương ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến, có sản phẩm đảm bảo là yêu cầu chất lượng rất là cao… mà họ chỉ muốn xem cuộc sống người dân như thế nào, sinh hoạt trồng cây ra sao. Thậm chí là tính chất thô mộc cũng là một nét đẹp, một sự quyến rũ, hấp dẫn trong phát triển du lịch.
Vì thế chúng ta không nên đặt nặng vấn đề phải có quy trình chuẩn, phải có những sản phẩm thật, sản xuất công nghiệp để bán đại trà thì mới hấp dẫn. Mà có lẽ nhiều khi sản phẩm đơn chiếc, sản phẩm thô mộc, sản phẩm khác nhau, dựa trên sự sáng tạo, dựa trên chính văn hóa bản địa, truyền thống của người dân tộc ở miền núi cũng là một sự hấp dẫn. Chỉ có điều là chúng ta tránh để đồng bào sử dụng hóa chất, sử dụng những biện pháp gây hại cho môi trường, gây hại cho đời sống, gây hại cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó phải làm sao để đồng bào có ý thức hơn trong vấn đề cung cấp sản phẩm theo hợp đồng, tuân thủ những cam kết, tuân thủ những kế hoạch để đảm bảo uy tín với khách hàng. Đó là những hạn chế trong nhận thức cần được dỡ bỏ. Còn nếu chúng ta làm tốt thì rõ ràng sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đa dạng hóa cả về sản phẩm cho du lịch, mở rộng quy mô, nâng tầm, nâng hiệu quả giá trị gia tăng của các bản sắc văn hóa đã có.
Về phía địa phương, ông Lộc Kim Liễn cho hay, thời gian tới đây, Sở Công Thương cũng đã định hướng một số nội dung cần phải làm để giúp bà con bán hàng tốt hơn. Giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch thì có sự gắn kết rất chặt chẽ, và Tuyên Quang trong nhiệm kỳ này cũng cho rằng phát triển du lịch là khâu đột phá, để làm sao lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang cũng chú ý về việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù chỉ Tuyên Quang mới có. Ví dụ như du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…
Cùng với đó Sở Công Thương có định hướng cùng với phát triển du lịch đó thì thương mại phải đi theo việc đó, đó là phải xây dựng những cái điểm bán hàng tại những vùng mà phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng OCOP. Trong những năm vừa qua thì Sở cũng đã có hỗ trợ cho các huyện cũng như là các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng những cái điểm bán hàng OCOP, không những sản phẩm của Tuyên Quang mà các sản phẩm của các tỉnh khác có thể kết nối và bày bán tại đó để du khách đến thì có thể vừa đến chơi, vừa có thể tiếp cận mua được sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang.
Tuyên Quang cũng chú trọng phát triển kinh tế đêm. Hiện nay một huyện vừa có không gian sinh hoạt văn hóa vào chiều thứ bảy, tối thứ bảy, sẽ có một xã tổ chức biểu diễn văn nghệ, có những hoạt động trò chơi ở tại chợ đêm. Trong đó thì có những hoạt động ẩm thực, bán sản phẩm nông sản của bà con và của tỉnh để du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, vừa có thể mua bán sản phẩm dịch vụ, vừa có thể mua sản phẩm quà lưu niệm.
Sở Công Thương cũng đã định hướng cho việc mà tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ thông minh, hiện đại, và đặc biệt là sẽ tổ chức đưa sản phẩm hàng hóa của bà con và đặc trực tiếp hỗ trợ bà con, xây dựng những chính sách hỗ trợ bà con đưa sản phẩm của mình tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị cùng kết nối cung cầu làm sao để sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang được nhiều người biết đến hơn.