Bình Thuận: Triển khai hiệu quả chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
Vận động các hộ đồng bào sử dụng hiệu quả đất sản xuất được cấp
Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả đất sản xuất được cấp, Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành liên quan và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục.
Vận động các hộ đồng bào sử dụng hiệu quả đất sản xuất |
Đặc biệt, tạo điều kiện đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS đối với số diện tích đất sản xuất đã cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai. Tăng cường nắm tình hình trong vùng đồng bào DTTS, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế để sang nhượng đất sản xuất do Nhà nước cấp nhằm trục lợi bất chính. Xử lý kịp thời các vấn đề, mâu thuẩn xảy ra khi giao dịch chuyển nhượng, mua bán đất sản xuất do Nhà nước cấp trái pháp luật; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chống phá.
Thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước, hỗ trợ đồng bào DTTS đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích đất sản xuất theo chính sách hỗ trợ. Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ triển khai ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào nâng cao hiệu quả đất sản xuất được cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; mạnh dạn, chủ động trong ứng dụng phương thức sản xuất mới, tiến bộ; tiết kiệm, tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả diện tích đất sản xuất được cấp.
Nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
Nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thuộc vùng đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Qua đó, giúp đồng bào nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế đối với bản thân và gia đình, từ đó tích cực tham gia bảo hiểm y tế. Qua công tác tuyên truyền, vận động, tính đến tháng 7/2022 đã có 24.061 người (trong đó có 19.677 người DTTS) tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế. Hiện còn 11.792 người (trong đó 8.035 người DTTS) chưa tham gia bảo hiểm y tế do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Khám chữa bệnh cho trẻ em dân tộc xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận |
Triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống mạng lưới tổ dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình đời sống của đồng bào, kêu gọi các nguồn lực xã hội hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc vận động người thân, gia đình tích cực tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tốt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vào cuối năm 2025 đạt 95% dân số toàn tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, chiếm gần 8% dân số của tỉnh. Hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc của tỉnh. |