Vì sao Quảng Bình còn nhiều trở ngại trong hoạt động xúc tiến thương mại?
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Trung tâm) đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp trong việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Các hoạt động XTTM đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại của tỉnh Quảng Bình. Tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường nội địa và giải quyết đầu ra sản phẩm cho các doanh nghiệp. Đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết XTTM, đầu tư và du lịch. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hầu hết có quy mô còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực tài chính và quản lý, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, hạn chế về quy mô và năng lực cung ứng. Chất lượng và mẫu mã kiểu dáng bao bì, đóng gói một số sản phẩm tuy đã cải thiện nhiều so với trước đây song chưa đa dạng, phong phú và còn đơn điệu. Sản lượng sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường. Một số doanh nghiệp chậm đầu tư đổi mới công nghệ, chưa chú trọng đầu tư ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu đội ngũ chuyên trách khai thác thế mạnh của thị trường công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Kinh phí Trung ương và địa phương cấp cho các hoạt động xúc tiến thương mại còn thấp, trong khi nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của doanh nghiệp lại rất lớn.
Một chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương tại Quảng Bình |
Bà Hoàng Hải Vinh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình cho biết, “Hệ thống hạ tầng thương mại tỉnh phát triển chưa đồng bộ. Hiện nay tỉnh chưa có địa điểm tổ chức các sự kiện, triển lãm quy mô lớn, hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm đều chủ yếu tổ chức tại địa điểm là Nhà văn hóa tỉnh (cũ) nên gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các Hội chợ triển lãm cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế có quy mô lớn”.
Để tháo gỡ các khó khăn nhằm thúc đẩy hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, theo đại diện Trung tâm cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ về khuyến công và XTTM. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp về kỹ năng xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong bán hàng và kinh doanh trên nền tảng số; kỹ năng về phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm; Hội nhập kinh tế quốc tế và xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các diễn đàn xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các đoàn giao dịch thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trọng tâm, trọng điểm trong nước và quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số…Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình trên thị trường.
Về phía địa phương, Trung tâm cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tranh thủ các nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, sớm xây dựng Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh phục vụ nhu cầu quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của địa phương. Tranh thủ tối đa nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.