Quy định xử phạt với hành vi chôn lấp chất thải nguy hại trái quy định
Một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hỏi: Chính phủ mới ban hành quy định xử phạt mới liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong đó, đưa ra nhiều mức phạt nặng đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường của chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Công ty chúng tôi có hoạt động liên quan đến chất thải nguy hại nên rất quan tâm đến vấn đề này. Xin hỏi, cụ thể quy định này ra sao?
Liên quan đến vấn đề này, Báo Công Thương đã liên hệ với bà Nguyễn Hoàng Phượng - Chuyên gia tư vấn chính sách - Pháp luật của E-Policy - A Boutique Consulting Firm và nhận được trả lời như sau:
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định cụ thể liên quan đến yêu cầu lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở. Đồng thời, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa mới được ban hành đã quy định cụ thể về các mức phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại trái quy định.
Yêu cầu về lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở
Tại Khoản 2 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường; chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về xử lý chất thải phải đáp ứng các yêu cầu sau: Chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Đáp ứng yêu cầu về cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại; Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định; Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng.
Hàng trăm tấn chất thải rắn công nghiệp bị đổ trộm tại khu vực hồ nước thuộc ấp 3, xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai |
Đồng thời, các cơ sở này phải có giấy phép môi trường; Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp; có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động; Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định.
Mức phạt vi phạm
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 25/08/2022 sắp tới đã đưa ra các mức phạt đối với vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Theo đó, hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt dưới 100 kg chất thải nguy hại; Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 100 kg đến dưới 250 kg chất thải nguy hại; Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 250 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại
Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 500 kg đến dưới 1.000 kg chất thải nguy hại; Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 1.000 kg đến dưới 1.500 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định.
Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 1.500 kg đến dưới 2.000 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định;
Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 450.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 2.000 kg đến dưới 2.500 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định.
Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại, trừ trường hợp chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định; Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với trường hợp đốt từ 3.000 kg chất thải nguy hại trở lên.
Như vậy, về hành vi chôn lấp chất thải nguy hại không đúng quy trình theo quy định áp dụng mức phạt thấp nhất là 100 triệu và cao nhất là 600 triệu. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định.
Những mức phạt trên là dành cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất. Có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính nguy hại khác). Hoặc tương tác với chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Một số chất thải nguy hại thường gặp hiện nay gồm: Bình ac quy hỏng, pin hỏng; Kim tiêm đã sử dụng trong y tế; Vỏ, bao bì thuốc trừ bảo vệ thực vật… |
.