Người phụ nữ đam mê 'giữ lửa' cho văn hoá Thái
Đắm say văn hoá Thái qua lời kể nghệ nhân
Xã Chiềng Pằn là xã vùng I của huyện Yên Châu, nằm dọc trục quốc lộ 6, cách trung tâm huyện 4 km về phía thành phố Sơn La. Đặt chân đến Chiềng Pằn, qua thăm hỏi bà con, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Lò Thị Xuân (64 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá Thái cổ Mường Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Có tiếp xúc với bà rồi mới thấy sự đam mê đặc biệt của người phụ nữ này với những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Thái. Say mê giới thiệu cho chúng tôi khu nhà sàn câu lạc bộ mới xây dựng theo phong cách cổ xưa của dân tộc Thái, bà Lò Thị Xuân kể, Nhà sàn mẫu cổ xưa lợp ranh và có mái vòm, có “khau cút” là 2 thanh gỗ đan chéo trên mái thể hiện đẳng cấp của ngôi nhà và chống tà ma, xui xẻo. Nhà sàn có 2 cầu thang cao như nhau, 1 bên có 9 bậc dành cho nữ, bên 7 bậc dành cho nam và khách quý, thể hiện sự khoẻ mạnh của người đàn ông.
Ngôi nhà sàn câu lạc bộ mới xây dựng theo phong cách cổ xưa của dân tộc Thái Yên Châu. |
Lan can trên sân nghỉ thể hiện sự gắn bó và tính cộng đồng cao. Sàn sân trước chủ yếu dành cho phụ nữ để làm những công việc nội trợ, hiên bên cầu thang 7 bậc dành cho đàn ông ngồi đan lát dụng cụ. Nhà sàn hiện không có nhiều dụng cụ, nhưng bao quát khá đầy đủ lối sống, nếp sinh hoạt của người Thái cổ xưa.
Các vận dụng sinh hoạt cơ bản trong ngôi nhà Thái cổ xưa. |
“Nói đến nhà sàn, trước hết phải nói đến chỗ linh thiêng - là nơi thờ cúng các thế hệ đi trước đã qua đời. Thờ cúng có từng bậc, bậc dưới gọi là “khó ló hoong” là nơi thờ bố mẹ, ông bà ở trên sàn (kèo) nhà. Người Thái quan niệm, các cụ ở bếp nên phụ nữ ngồi bên bếp không bao giờ gác chân lên thềm nhỏ quanh bếp. Theo quan niệm của người Thái thì bố mẹ, ông bà, tổ tiên đều hiện diện gần gũi xung quanh, hòa vào từng nhịp sống sinh hoạt hàng ngày với con cháu” – nghệ nhân Lò Thị Xuân kể.
Bà Lò Thị Xuân hướng dẫn cách dệt sợi, làm thổ cẩm cho học viên. |
Trong ngôi nhà của người Thái cổ, ngoài những vật dụng phục vụ cho đời sống lao động được để bên dưới gầm sàn như cuốc thuổng, cày, gùi thì trong nhà sàn không thể thiếu các dụng cụ văn hóa vui tươi như trống, chiêng.
Người Thái có nhiều vùng miền khác nhau, để phân biệt được vùng miền sẽ dựa vào trang phục. Trang phục nam thường na ná giống nhau như áo xẻ tà bằng vải tràm, quần cũng bằng vải tràm. Tuy nhiên, ở nơi khác, đàn ông hay đội mũ, còn ở Yên Châu, khăn đội đầu của người đàn ông sẽ thắt nơ ở 2 đầu.
Trang phục nữ thì khác biệt. Riêng vùng Yên Châu, đặc biệt là thái cổ Yên Châu có đặc trưng không vùng nào có. Để phân biệt ở trang phục nữ, đầu tiên phải nói đến chiếc váy kẻ của người phụ nữ làm hoàn toàn bằng sợi bông nhuộm tràm và vải tơ tằm, người ta gọi là váy 2 chỉ hay còn gọi là “xì ta lai”, tức là kẻ màu.
Trang phục phụ nữ thái Yên Châu có đặc trưng không vùng nào có. |
Các màu sắc của trang phục cũng mang ý nghĩa riêng biệt: Màu trắng để nhuộm tràm gọi là mẹ nước, tức là sữa mẹ để nuôi con khôn lớn với ý nghĩa cầu mong sáng sủa cả đời. Màu thứ 2 đặc trưng nhất là màu đen vải thái nhuộm tràm, tượng trưng cho mẹ đất để trồng cây nuôi sống con người với ý nghĩa cầu mong công việc làm ăn sinh sôi, nảy nở. Chỉ thứ 3 là chỉ nhuộm tràm màu xanh nhạt tượng trưng cho mẹ cây, tượng trưng cho những cây lam để làm cơm cầu cho mưa thuận gió hòa. Chính vì thế, phụ nữ Thái ở Yên Châu mỗi lần sinh con đều ăn cơm lam ngay sau khi sinh xong để tưởng nhớ đến công ơn của 3 người mẹ này là: Mẹ nước, mẹ đất, mẹ cây.
Ngoài ra, trên chiếc váy của người phụ nữ Thái Yên Châu còn có những sợi chỉ đỏ lác đác tượng trưng cho những mạch máu của người mẹ sinh ra mình. Chiếc váy này chỉ ở vùng Yên Châu mới có.
“Truyền lửa” tình yêu văn hoá đến thế hệ sau
Nghệ nhân Lò Thị Xuân kể, khi về hưu, trước nguy cơ nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái bị mai một, tháng 11/2019, bà đã mạnh dạn cùng những người am hiểu về văn hóa Thái trên địa bàn các xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán và thị trấn Yên Châu thành lập nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt”. Bà khao khát truyền giữ nét văn hóađặc sắc của dân tộc cổ xưa qua chữ viết, qua khung cửi dệt vải, thêu khăn Piêu và hát các bài hát cổ.
Bà Lò Thị Xuân mở các lớp dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ. (Ảnh: TL) |
48 thành viên của nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt” không chỉ là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái, mà còn rất tâm huyết, trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa dân tộc.
“Tôi yêu văn hóa dân tộc mình từ ngày còn bé. Ngày xưa do nghèo, khó khăn chung, bận công tác công việc và lo cơm áo gạo tiền nên phải đến khi nghỉ hưu, tôi mới thành lập nhóm người yêu dân tộc Thái. Sau đó, tôi thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái cổ gần 2 năm nay với mục đích gìn giữ, bảo tồn, trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc bằng cách truyền dạy cho các thế hệ trẻ về chữ viết (chữ Thái), các trang phục, cách dệt thổ cẩm, cách thêu khăn và các nét văn hóa khác” – nghệ nhân Lò Thị Xuân chia sẻ.
Quy tập các nghệ nhân truyền dạy các nghề thủ công cha ông để lại. (Ảnh: TL) |
Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn... Đến năm 2021, nhóm chuyển đổi thành Câu lạc bộ yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt với hơn 60 thành viên tham gia, truyền dạy thêm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái với các sản phẩm, như: Khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn... Thông qua các hoạt động tận tâm và tận lực suốt thời gian qua, bà Lò Thị Xuân muốn gửi thông điệp đến những người Thái trẻ khao khát bảo tồn và gìn giữ những vốn quý của đồng bào dân tộc.