Độc đáo Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh Độc đáo Lễ hội Mường Ca Da của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa |
Nhiều nghi lễ độc đáo
Sáng nay 22/2 (tức 25 tháng Giêng), huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai hội lễ Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian. Đền Chín Gian là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Như Xuân.
Dự lễ có bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo Cục Quản lý Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành và đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện Như Xuân.
![]() |
Đông đảo Nhân dân và du khách về dự lễ Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian. Ảnh: Minh Hiếu. |
Theo sử sách ghi lại, Đền Chín Gian được lập để thờ Thẻn Phà (thờ trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời), Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản, lập mường). Đền được làm theo kiểu nhà sàn - một đặc trưng của đồng bào Thái. Trong đền được chia làm 9 gian tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường.
Lễ Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian gồm phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ có các nghi thức như: nghi lễ tắm trâu và lễ rước, lễ hiến trâu và cúng thần nhằm ghi nhớ công lao to lớn của cha ông đã lập bản, lập mường, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc.
![]() |
Lãnh đạo huyện Như Xuân thực hiện nghi lễ Đại tế. Ảnh: Minh Hiếu. |
Lễ Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian được bắt đầu với nghi thức Dâng trâu - một nghi lễ thiêng liêng, trong đó một con trâu khỏe mạnh, chưa qua cày kéo, được chọn làm lễ vật dâng lên trời đất. Lễ Dâng trâu là biểu trưng cho sự tôn kính và lòng biết ơn của người dân nơi đây đối với các vị thần và tổ tiên.
Mỗi mường sẽ chuẩn bị một con trâu tơ, 9 con lợn con, 90 con gà và một chum rượu cần. Những lễ vật này được dâng lên thần linh với mong muốn nhận được phước lành. Trâu được dâng lên sân tế, sau đó các nghi thức cúng tế trang nghiêm diễn ra để thể hiện lòng tôn kính và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội còn bao gồm các hoạt động văn hóa dân gian như hát múa, trình diễn các sản phẩm thủ công truyền thống và thi đấu thể thao dân tộc. Các hoạt động văn nghệ dân gian của 9 mường được thể hiện trong ngày lễ tế trâu, để giao lưu nền văn hóa.
Lễ Dâng trâu đền Chín Gian không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là sự kiện lớn để kết nối cộng đồng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái
Đền Chín Gian là ngôi đền được xây dựng theo lối nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, với vật liệu là tre nứa và mái tranh, gồm 9 gian, tượng trưng cho chín mường, thể hiện sự đoàn kết và nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Như Xuân.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ tế hàng năm diễn ra vào cuối tháng 6 âm lịch với 9 mường tham gia. Từ sau năm 1944 lễ tế không còn được tổ chức, vì vậy ngôi đền xuống cấp. Tháng 4/2016, Đền Chín Gian được khởi công tôn tạo và hoàn thành vào tháng 9/2017. Đền được phục dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm chín gian trên nền của ngôi đền cũ.
![]() |
Đền Chín Gian được phục dựng bằng vật liệu bê tông, lợp ngói đỏ trên nền cũ 9 gian giữ được nét đặc trưng của nhà sàn. Đền dựng trên đỉnh núi được bao quanh bởi hệ sinh thái hoang sơ, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm nét đẹp vùng cao. Ảnh: Đặng Trung. |
Cái tên Đền Chín Gian là bởi kiến trúc đặc trưng của đền với chín gian thờ chính, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa trời, đất và con người. Đây là nơi thờ các vị thần linh và anh hùng dân tộc có công bảo vệ đất nước, đồng thời là không gian văn hóa tâm linh quan trọng đối với đồng báo dân tộc Thái nơi đây. Năm 2015, Đền Chín Gian được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
Nhiều năm nay, Đền Chín Gian là điểm du lịch thu hút khá đông khách du lịch bởi yếu tố tâm linh và sinh thái độc đáo. Đền Chín Gian nằm giữa không gian rừng núi xanh tươi, cảnh quan thiên nhiên, không gian yên tĩnh, thanh bình. Khu vực xung quanh Đền Chín Gian là những hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm, mang lại cho du khách cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
![]() |
Đến với Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian, du khách sẽ được hòa mình trong tiếng cồng chiêng, khua luống và các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân. Ảnh: Minh Hiếu. |
Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Đền Chín Gian là một biểu tượng văn hóa, giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc của dân tộc Thái tại ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Huyện đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” – ông Tuấn cho hay.
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian năm 2025, ngày 21/2, huyện Như Xuân tổ chức Hội thao giải bóng chuyền da nam, tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy với sự tham gia của trên 300 vận động viên đại diện cho 16 đơn vị đến từ các xã, thị trấn của huyện Như Xuân. Đây là một trong những hoạt động tạo không khí sôi nổi cho lễ hội, thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi của các đội và cổ vũ, động viên phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn huyện. |