Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động từ 4 làn sóng dịch chuyển
Bên lề Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2024 được tổ chức mới đây, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế - Công ty Cổ phần Cơ khí Smart Việt Nam để hiểu hơn về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ… trong việc dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu?
Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế - Công ty Cổ phần Cơ khí Smart Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga |
Có thể nhận thấy, tiềm năng tăng trưởng của các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo và các nhóm ngành chủ lực như giày da, cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ là vô cùng lớn và sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Minh chứng cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%, qua số liệu khảo sát này chúng ta đã thấy được một phần của sự tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên với góc nhìn của người trực tiếp làm, nghiên cứu, định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, tôi thấy rõ hơn một số nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng này và xu hướng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Cụ thể là làn sóng chuyển dịch lần thứ nhất, từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó và dẫn tới sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lần sóng chuyển dịch thứ hai là hậu Covid-19. Với việc bị ảnh hưởng rất lớn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sau một thời gian dài phong toả do dịch Covid-19, các quốc gia đang mua hàng tại Trung Quốc nhận ra là đã quá phụ thuộc vào nguồn cung đến từ quốc gia này. Sau bài học này thì việc đa dạng nguồn cung là một giải pháp tối ưu. Các công ty bắt đầu tìm các quốc gia khác thay thế. Theo đó, nhiều quốc gia lựa chọn Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
Làn sóng chuyển dịch thứ ba là từ các xung đột địa chính trị liên quan đến Nga, Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông leo thang và các nguy cơ tiềm ẩn của sự xung đột mới là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Các công ty đang làm ăn với Trung Quốc rất lo ngại nếu chiến tranh nổ ra dẫn đến đợt chuyển dịch thứ ba đặc biệt là trong các ngành về bán dẫn, điện tử…
Làn sóng chuyển dịch thứ tư nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, bức tranh thương mại toàn cầu có những thay đổi căn bản. Dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục hàng rào thuế quan cao như một công cụ để đàm phán. Hàng rào thuế quan của Mỹ có thể lên tới mức cao nhất kể từ thập niên 1930. Chính sách này sẽ khiến cho các công ty Mỹ nói riêng và các công ty tại các quốc gia thân Mỹ nói chung tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ hơn.
Do vậy, tôi tin rằng sẽ có những cú huých rất lớn cho sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp chủ lực của chúng ta thời gian tới.
Là một doanh nghiệp khá thành công tại thị trường nước ngoài, ông có thể chỉ ra đâu là những điểm vướng khiến doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay đang gặp phải, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xuất khẩu?
Theo tôi thì có 3 điểm vướng cơ bản mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang mắc phải trong việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là: Thông tin, tính chủ động và định hướng vươn ra thế giới.
Hiện, đa số các doanh nghiệp thiếu và khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị trường, thông tin khách hàng và các cơ hội kinh doanh mới tại các thị trường quốc tế.
Về tính chủ động, điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, chủ động kết nối trực tiếp với các đối tác, khách hàng tại các thị trường quốc tế, thay vì đợi khách hàng tìm đến hoặc làm việc qua đơn vị thứ ba.
Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2024. Ảnh: Đỗ Nga |
Và đặc biệt, để doanh nghiệp “trưởng thành” thì bản thân các doanh nghệp cần có định hướng chiến lược phát triển với mục tiêu vươn ra thế giới “Go Global” thay vì tập trung hoàn toàn vào thị trường Việt Nam.
Tại Smart Việt Nam chúng tôi đã vượt qua được các rào cản, vướng mắc như tôi vừa chia sẻ và được đánh giá là doanh nghiệp khá là thành công trong việc phát triển thị trường quốc tế.
Nguyên nhân chính đến từ việc chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian trong việc nghiên cứu, phân tích các thông tin từ nhiều nguồn, nhiều kênh, để tìm các ngành hàng tiềm năng phù hợp với doanh nghiệp mình. Chúng tôi cũng chủ động tiếp cận, kết nối, làm trực tiếp với các đối tác quốc tế thay vì đợi chờ khách hàng tìm đến và quan trọng nhất, ngay từ đầu, chúng tôi đã có sư chuẩn bị, định hướng “Go Global”.
Ông có kiến nghị gì nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, các yêu cầu về xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy đầu ra đối với các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian tới?
Để tháo gỡ khó khăn, vương mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo trong hoạt động xuất nhập khẩu, thứ nhất, theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước cần rút gọn các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để số hoá thủ tục hải quan; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến, giảm thiểu thời gian và chi phí.
Tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục về xuất nhập khẩu, giảm bớt các rào cản phi thuế quan. Đồng thời, cải thiện cơ sở hạ tầng tại các cảng biển, cửa khẩu để nâng cao hiệu quả thông quan hàng hoá.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn để doanh nghiệp có cơ hội được cập nhật về thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh mới.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là vốn. Cần mở rộng các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Về phía Smart, chúng tôi sẵn sàng tham gia các trương trình từ các cơ quan ban ngành tổ chức để có thêm cơ hội trực tiếp lắng nghe, học hỏi và kết nối trực tiếp với các đối tác quốc tế tiềm năng. Từ đó chuẩn bị tốt các nguồn lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cưng ứng toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!