UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức chương trình Vinh danh sản phẩm công nghiệp chủ lực cho 36 sản phẩm của 25 doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, hệ sinh thái cho lĩnh vực media: Sigma OTT của Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) là 1 trong 3 sản phẩm công nghệ số được vinh danh.
Hệ sinh thái Sigma OTT được vinh dự công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2024 |
Chương trình được UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhằm mục đích tuyển chọn các sản phẩm công nghiệp chất lượng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường với nhiều cơ chế, giải pháp hỗ trợ thiết thực như: Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài...
Thủ đô Hà Nội hiện là nơi tập trung các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực trong nhiều lĩnh vực. Mỗi năm, nhóm doanh nghiệp này tạo ra doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, tương đương 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.
Nằm trong số 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được vinh danh lần này, sản phẩm hệ sinh thái Sigma OTT đã ghi tên mình trong “bản đồ” công nghiệp công nghệ cao của Thủ đô. Đây cũng là cái tên khá quen thuộc với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền thông số ở Việt Nam.
Được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư người Việt từ năm 2018, Sigma OTT đã giúp các đơn vị kinh doanh dịch vụ nội dung số Việt Nam giải được bài toán khó về việc tìm kiếm một hệ sinh thái hoàn chỉnh để phân phối nội dung đa phương tiện (hình ảnh, video, audio, luồng phát trực tiếp).
Nếu như trước đây các đài truyền hình, các nhà phân phối nội dung media cần phải mua giải pháp từ 5-6 nhà cung cấp nước ngoài với chi phí đắt đỏ, thì Sigma OTT là một hệ sinh thái có thể cung cấp dịch vụ “all in one”, các nhà phân phối nội dung chỉ cần sử dụng duy nhất một nền tảng để cung cấp dịch vụ tới người dùng. Sigma OTT đã giải được bài toán khó về xử lý dữ liệu đa phương tiện với chi phí hợp lý cho các đơn vị cung cấp nội dung trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết, việc tự chủ được giải pháp và làm chủ công nghệ bằng năng lực kỹ sư Việt Nam đã giúp các đối tác thuộc nhóm ngành: Truyền hình, giáo dục trực tuyến, y tế trực tuyến.. có thể triển khai ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí so với sử dụng sản phẩm của nước ngoài.
Đặc biệt, trong số nhóm giải pháp trong hệ sinh thái Sigma OTT, giải pháp bảo mật nội dung số Sigma Multi-DRM được ghi nhận là phát minh bảo vệ nội dung thứ 12 trên thế giới, được tổ chức Cartesian kiểm định thành công và công bố đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu vào năm 2020.
Với việc đạt được chứng nhận của Cartesian, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, cũng là doanh nghiệp duy nhất của Đông Nam Á, là 1 trong 6 doanh nghiệp của châu Á đạt được chứng nhận này.
Sigma DRM đóng vai trò quan trọng để giải quyết các vấn đề hệ trọng, liên quan đến an ninh quốc gia trong nước như: Bảo vệ nội dung cho camera An ninh, chống can thiệp nội dung truyền hình trên internet. Sigma DRM giúp chống lại việc sao chép, sử dụng lậu, vi phạm bản quyền nội dung số… vấn đề nhức nhối trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, ngoài Sigma DRM hiện nay đã được phần lớn các đài truyền hình trả tiền trong nước sử dụng để bảo vệ bản quyền các chương trình truyền hình thay thế cho các giải pháp nước ngoài, giải pháp Sigma OTT hiện nay đã vượt ra khỏi biên giới để cung cấp cho các khách hàng tại Thái Lan, Mỹ và Ấn Độ.
Việc hệ sinh thái Sigma OTT được vinh dự công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2024, sẽ là cơ hội giúp Thủ Đô Multimedia nhận được những hỗ trợ thiết thực về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tăng cường uy tín của công ty trên thị trường cũng như tạo động lực cho toàn thể đội ngũ của công ty vững tin vào hành trình tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần ghi tên Việt Nam trên “bản đồ” công nghệ số toàn cầu.