Lừa đảo trên không gian mạng: Bài 7 – Kết bạn, lừa tình cảm, tiền bạc
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân trên không gian mạng… Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo các chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang nhắm vào các đối tượng: Người cao tuổi, nhân viên văn phòng, công nhân/người lao động, học sinh/sinh viên… Báo Công Thương xin trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo để giúp bạn đọc nắm bắt thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng này. |
Mới đây, Công an xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá vừa kịp thời ngăn chặn vụ “bẫy tình” trên mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người phụ nữ độc thân.
Cụ thể, bà H.T.M., là phụ nữ độc thân, trú tại thôn Đại Thắng, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến tiệm vàng Dụ Duyên ở thôn Trung Lập 1, xã Xuân Lập để bán một số lượng lớn vàng. Trong quá trình giao dịch, chủ tiệm vàng Dụ Duyên thấy bà M. có biểu hiện bất thường nên đã dò hỏi thì được biết bà M bán vàng để lấy tiền gửi cho một tài khoản của người đàn ông mới quen biết trên mạng xã hội Facebook.
Do đã được tuyên truyền, cảnh báo nhiều về những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nên chủ tiệm vàng đã gọi điện báo cho Công an xã Xuân Lập.
Công an xã Xuân Lập đã nhanh chóng phối hợp xác minh làm rõ những thông tin mà bà M. cung cấp và xác minh, tài khoản Facebook “Miracle” là tài khoản ảo, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho bà M. về thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng và kịp thời ngăn chặn việc bà M. bị các đối tượng “bẫy tình” lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không chia sẻ quá nhiều thông tin trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến. Ảnh: MXH |
Một số dấu hiệu nhận biết
- Kẻ lừa đảo thường tìm hiểu và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Sau đó tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân.
- Tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm (sau đó dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân).
- Kẻ lừa đảo gửi hàng bưu kiện có giá trị và bắt đóng tiền thuế bằng cách gửi tiền vào tài khoản kẻ lừa đảo. Kẻ lừa đảo có thể đe dọa hoặc lừa đảo nếu nạn nhân không tuân thủ yêu cầu.
Biện pháp phòng tránh
Hãy giữ cảnh giác, nên chậm lại và không quá nhanh tin tưởng vào một người mà bạn mới gặp qua mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Lừa đảo tình cảm thường bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm nhanh chóng để lấy lòng và đánh lừa nạn nhân.
Khi gặp một người mới trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Đừng chia sẻ thông tin cá nhân quá nhanh chóng.
Hãy cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư vào Forex hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Lừa đảo thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước khi nhận hàng bưu kiện của một người mà bạn không quen biết, hãy kiểm tra và xác minh thông tin về địa chỉ, tên và các chi tiết khác.
Trong trường hợp bạn bị mắc kẹt trong một cuộc lừa đảo và đối mặt với yêu cầu tống tiền hoặc chiếm đoạt tài sản, hãy giữ bình tĩnh và đặt sự an toàn cá nhân lên hàng đầu. Không bao giờ đồng ý chuyển khoản tiền, gửi hàng hoặc cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm. Báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng và yêu cầu hỗ trợ từ họ.
Bảo vệ thông tin cá nhân của bạn bằng cách không chia sẻ quá nhiều thông tin trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, hãy cẩn thận với việc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người mà bạn không tin tưởng hoặc không biết.
Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không đúng hoặc không thoải mái trong một tình huống, hãy tin tưởng vào trực giác của bạn. Đừng bị lừa bởi lời hứa hoặc áp lực từ người khác. Luôn tự đặt câu hỏi và xem xét cẩn thận trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào.
Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau:
- Đừng tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)