Bịa đặt Laura Coffee có chất gây ung thư
Trong bài “Những 'ông vua', 'bà chúa' không ngai trên mạng" đăng tải ngày 3/5/2025, Báo Công Thương đã đề cập tới hiện tượng nhiều người dùng mạng xã hội núp dưới danh nghĩa người tiêu dùng review sản phẩm trá hình.
Hoạt động này được nhiều đối tượng xây dựng kịch bản bài bản, có tổ chức, không chỉ nhằm mục đích quảng cáo, thao túng thị trường, mà còn sử dụng như một công cụ để triệt hạ những doanh nghiệp đối thủ, hoặc những doanh nghiệp không quen biết, không có mối quan hệ hợp tác.
![]() |
"CEO Vương Long" thông tin sai sự thật liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame trong thương hiệu Laura Coffee. Ảnh chụp màn hình |
Một trong những nạn nhân của loại nấm độc núp bóng review này là thương hiệu Laura Coffee do ca sĩ Nhật Kim Anh làm đại diện. Đây cũng là một trong những vụ việc nổi cộm được Báo Công Thương phản ánh hồi tháng 10/2024, với mục tiêu làm rõ sự thật, bảo vệ doanh nghiệp chân chính khỏi những “đòn đánh dưới thắt lưng” đầy nham hiểm của nấm độc review.
Cụ thể, khoảng cuối tháng 10/2024, Báo Công Thương nhận được phản ánh từ đại diện thương hiệu Laura Coffee, về việc trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật về thương hiệu.
Thông tin này được cho bắt nguồn từ tài khoản TikTok có tên “CEO Vương Long” (ID: ceovuonglong) với hơn 105 nghìn lượt theo dõi và hơn 2,1 triệu lượt thích. Trong video đăng tải vào ngày 19/10/2024, “CEO Vương Long” đã mở đầu bằng nhận định, khuyến cáo quy chụp, tấn công trực diện vào thương hiệu Laura Coffee: “Ai đang up clip về cà phê đông trùng hạ thảo thì nên gỡ bài liền. Bởi vì đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng”!?.
Dẫn chứng cho nhận định nói trên, “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame. Cụ thể, “CEO Vương Long” cho rằng chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh cáo có chất gây ung thư.
Chỉ sau một ngày đăng tải, video này đã đặt 3,8 triệu lượt người xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự doanh nghiệp (trước thời điểm bị gỡ đạt gần 7 triệu lượt xem).
Sự thật 77 nghìn view, tin bịa đặt 7 triệu
Nữ ca sĩ Nhật Kim Anh thời điểm đó đã lên tiếng khẳng định, Aspartame là chất tạo ngọt được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đủ độ ngọt nhưng có lượng calo rất thấp. Aspartame được các tổ chức y tế lớn trên thế giới, bao gồm FDA và WHO, công nhận là an toàn cho sức khỏe khi sử dụng đúng liều lượng.
Quyết tâm làm rõ sự thật, phóng viên Báo Công Thương đã tiếp cận các chuyên gia thực phẩm đầu ngành và đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để kiểm chứng thông tin.
"Việc sử dụng phụ gia thực phẩm phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, tại thông tư của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của CODEX, vẫn đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị.
Như vậy là chất Aspartame không phải chất gây ung thư và được phép sử dụng trong thực phẩm, thông tin TikTok “CEO Vương Long” đăng tải là hoàn toàn sai sự thật. Dù vậy, những thông tin này vẫn tiếp tục lan truyền, tiếp cận hàng triệu người, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Còn đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật là TikTok “CEO Vương Long” sau đó gỡ clip và đăng tải thông tin xin lỗi doanh nghiệp, muốn được rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lời xin lỗi của “CEO Vương Long” lại lấp lửng, không trực diện và lượng tương tác rất thấp, chỉ đạt hơn 77.000 lượt xem, bằng khoảng 1% so với video chứa thông tin sai sự thật là gần 7 triệu lượt (số liệu cuối tháng 10/2024).
Nhiều doanh nghiệp đang bị tấn công bởi review bẩn
Không chỉ thương hiệu Laura Coffee, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang bị các nấm độc review, núp dưới danh nghĩa người tiêu dùng tấn công bằng những thông tin chưa kiểm chứng, chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Trước khi đi vào chi tiết từng vụ việc, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm “người tiêu dùng” được quy định tại Điều 3, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.
![]() |
Ông Mai Văn Đông đang làm tiếp thị liên kết/kinh doanh 248 sản phẩm là mỹ phẩm. Tuy nhiên, ông này lại khoác trên mình chiếc áo người tiêu dùng để công kích nhiều nhãn hàng khác. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Vũ Văn Biên, Đoàn Luật sự tỉnh Hải Dương dẫn quy định tại Điều 4, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, cho biết: Một trong các quyền của người tiêu dùng là khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.
“Đối chiếu theo quy định của luật, người tiêu dùng có quyền lên tiếng công khai, bao gồm việc đăng tải ý kiến, phản ánh trên mạng xã hội, nếu có đầy đủ cơ sở cho thấy nhãn hàng/doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin đăng tải bảo đảm trung thực, đúng sự thật, không xúc phạm cá nhân/doanh nghiệp và người đăng tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã đăng tải”, Luật sư Vũ Văn Biên phân tích.
Quy định là vậy, song thực tế đang xuất hiện không ít đối tượng làm tiếp thị liên kết, thậm chí trực tiếp kinh doanh, cố tình khoác áo người tiêu dùng, núp bóng review để “đánh dưới thắt lưng” doanh nghiệp. Những đối tượng này chủ động mua sản phẩm của doanh nghiệp khác, rồi vạch lá tìm sâu, bới lỗi từng chi tiết, không phải để bảo vệ cộng đồng mà để tấn công, triệt hạ đối thủ.
Một trong những cái tên được Báo Công Thương đề cập trong kỳ trước là TikToker “Cùng học chăm da”, được quản lý bởi ông Mai Văn Đông, sinh năm 1995, quê quán tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại phần trưng bày trên TikTok, ông Mai Văn Đông đang làm tiếp thị liên kết/kinh doanh 248 sản phẩm là mỹ phẩm. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo nội dung, ông này đã khoác trên mình chiếc áo người tiêu dùng để công kích nhiều nhãn hàng khác.
Cụ thể, ngày 22/4/2025, kênh này đã đăng tải video công kích một người bán hàng khác là Phương Sena, với nhiều ngôn từ phản cảm. Video tới thời điểm hiện tại đạt hơn 526 nghìn lượt xem, hơn 10.000 lượt thích và gần 2.000 bình luận, trong đó có nhiều bình luận tiêu cực về các sản phẩm do Phương Sena kinh doanh, phân phối.
Đáng chú ý, từ ngày 17/4/2025 đến 21/4/2025, ông Mai Văn Đông đã liên tục đăng tải 4 video trên kênh TikTok “Cùng học chăm da”, trong đó có nhiều phát ngôn sai sự thật, vu khống hoạt động của Công ty TNHH Thương mại Hân Korea. Ông Lê Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hân Korea cho biết, đã trình báo sự việc lên cơ quan công an và Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong một video khác, trước việc nhãn hàng/doanh nghiệp có đơn đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những thông tin sai sự thật ông Mai Văn Đông đăng tải, ông này tiếp tục khoác trên mình chiếc áo của người tiêu dùng để công kích doanh nghiệp.
“Ở đâu ra cái kiểu cứ sơ hở ra là đòi kiện người tiêu dùng là sao? Bỏ tiền ra mua bây giờ là không được chê phải không?…”, ông Mai Văn Đông nói trong video được đăng tải vào ngày 2/5/2025.
Dưới phần bình luận, khi một người dùng mạng xã hội yêu cầu: “Anh ơi check var Lan Vát đi. Hàng nhập Korea đó” - tức mong muốn ông Mai Văn Đông đăng tải, chia sẻ thông tin về các sản phẩm là mỹ phẩm một người có nickname Lan Vát kinh doanh, phân phối. Khi này, ông Mai Văn Đông đáp lại: “Check rồi, uy tín nhé”.
Trái ngược lại với thông tin được ông Mai Văn Đông chia sẻ, vừa qua, Báo Công Thương lại nhận được không ít phản ánh của bạn đọc, liên quan tới hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm của Lan Vát. Điều này cho thấy, những thông tin ông Mai Văn Đông chia sẻ là thiếu khách quan, không trung thực, mang tính định hướng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật An ninh mạng
Cuối tháng 3/2025, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) cho biết nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về việc một số KOL, KOC kinh doanh trực tuyến có dấu hiệu bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Vicopro cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh về việc Võ Hà Linh có dấu hiệu bán hàng với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, trước phiên livestream bán hàng ngày 15/3/2025 trên Facebook cá nhân, cô đã kêu gọi người tiêu dùng mua hàng số lượng lớn với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng Tư.
Trước những phản ánh trên, Vicopro đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kiểm tra, xác minh và xử lý nếu phát hiện sai phạm. Hội cũng kêu gọi các cơ quan báo chí vào cuộc để cung cấp thông tin chính xác, giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan về vụ việc.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Văn Biên khẳng định, các hành vi nêu trên là hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, xúc phạm uy tín doanh nghiệp khác, được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Luật Dân sự và Luật Hình sự.
Trong đó, khoản 3, Điều 45, Luật Cạnh tranh quy định, hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị nghiêm cấm.
Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... cũng là một trong những điều cấm, được quy định tại điểm D, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng.
Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, xác minh, làm rõ các hành vi cố tình núp bóng người tiêu dùng để vu khống, triệt hạ doanh nghiệp; xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn sai phạm lộng hành, tránh nguy cơ thách thức pháp luật và đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Phòng Bạn đọc, công tác xã hội – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: [email protected]; fanpage Báo Công Thương https://www.facebook.com/baocongthuong. |
Bài 3: Không thể để nấm độc review phá hoại chủ trương lớn