Thứ sáu 03/01/2025 11:10

Lào Cai: Tạo dựng sinh kế bền vững cho bà con nhờ cây chè

Lào Cai xác định, chè và các sản phẩm từ chè là sản phẩm chủ lực mang lại sinh kế bền vững cho bà con vùng dân tộc của địa phương.

Vị ngọt trong từng búp chè

Giới sành chè thì không thể không biết đến Chè Cổ Thụ nức tiếng Tả Thàng - Mường Khương (Lào Cai). Tại vùng đất này, những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn cứ mơn mởn bám trụ trên triền núi, uống từng giọt sương rơi, tắm nắng sớm mai, chắt chiu từng nguồn dinh dưỡng từ mảnh đất nơi này và ngày ngày được hấp thụ mạch nước dưới khe - thứ nước được cho làm nên quốc hồn cho giống chè nơi đây, những búp trè có một không hai, vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Chè cổ thụ là đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai (Ảnh: Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai)

Những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi có cây cao đến cả chục mét, bà con người Mông muốn có được những búp chè ngon, phải trèo lên cây để hái. Giống chè Shan tuyết cổ thụ được bà con đồng bào Mông nơi đây chăm sóc, bảo tồn và thu hái mỗi vụ, đã cung cấp cho các nhà máy chế biến chè một nguồn nguyên liệu siêu sạch, an toàn, bổ dưỡng cho sức khỏe…

Chè Shan tuyết là một trong những loại chè đặc sản của vùng núi cao Tây Bắc, là tinh hoa của đất trời. Loại chè này có vị đặc trưng của miền sơn cước có công dụng giúp giải nhiệt, giải độc cơ thể, giúp ăn ngon, ngủ ngon, đặc biệt rất tốt cho người lớn tuổi. Vì những giá trị lớn đó, những sản vật này đang được người dân quan tâm đầu tư, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa đảm bảo an toàn, vừa lưu giữ được hương vị đặc trưng, mang tính khác biệt và đã tạo được thương hiệu, có mặt tại nhiều thị trường. Chè nổi tiếng có màu nước đẹp, khi pha nước chè có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, có hương thơm quyến rũ. Nước chè có vị ngọt thơm để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống…

Không chỉ riêng huyện Mường Khương, tại nhiều địa phương ở Lào Cai, cây chè đã thực sự khẳng định rõ vai trò cây trồng chủ lực. Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng trên 7.340 ha chè trồng tập trung, trong đó, có 4.868 ha chè kinh doanh, hơn 2.470 ha chè kiến thiết cơ bản. Người trồng chè ở Lào Cai trồng một số giống chè chủ yếu như: Chè Shan, chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Ô Long, Thúy Ngọc…), chè lai, chè trung du. Năng suất chè búp tươi năm 2022 đạt 76,3 tạ/ha. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi đạt 39.155 tấn; giá trị sản xuất từ cây chè đạt 274 tỷ đồng.

Đặc biệt, những cây chè cổ thụ của Lào Cai nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, có đường kính từ 20 - 40 cm; rêu phong bao phủ, mọc dưới tán rừng tự nhiên với giá bán lên tới hàng triệu đồng/kg thành phẩm đang thực sự được coi là báu vật địa phương cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Cùng với mở rộng diện tích, xây dựng các vùng chuyên canh chè sạch, chè an toàn… Lào Cai cũng quan tâm hỗ trợ phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm chè. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè; bao gồm 4 nhà máy, 10 xưởng chế biến, công suất chế biến đạt trên 180 tấn chè búp tươi/ngày. Ngoài ra, có khoảng trên 350 lò chế biến công suất nhỏ theo quy mô hộ gia đình.

Việc hình thành các vùng sản xuất chè tập trung theo hướng hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, trong đó phần lớn là bà con dân tộc thiểu số và miền núi có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại, tỉnh đã phát triển được vùng chè tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, với hàng ngàn ha được áp dụng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, sản xuất chè hữu cơ, chè chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.

Chất lượng vùng chè nâng lên rõ rệt đã hình thành vùng sản xuất liên kết chế biến ổn định cho các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng. Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương Nhài...

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng chè có năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng như: Bản Liền (Bắc Hà); Lùng Vai, Cao Sơn (Mường Khương); Phong Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng)… Một số sản phẩm chế biến đã được đạt chứng nhận OCOP đạt từ 3 đến 5 sao (trong đó, sản phẩm Hợp tác xã chè Bản Liền Bắc Hà đạt 5 sao).

Chè Shan tuyết đặc sản Bắc Hà - Lào Cai (Ảnh: Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai)

Sản phẩm chè hiện nay chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và nội tiêu, giá trung bình đạt 2.600 USD/tấn. Trên địa bàn tỉnh có một số công ty, hợp tác xã sản xuất chè đáp ứng được các thị trường khó tính, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với các loại sản phẩm chè Ô long. Đặc biệt, sản phẩm chè tại huyện Bắc Hà đạt tiêu chuẩn hữu cơ được Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ (mỗi năm đạt 120 tấn).

Nhiều thương hiệu chè được xây dựng thành công

Thời gian qua, việc phát triển các loại cây trồng chủ lực nói chung, nhất là phát triển cây chè gắn với vùng chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã mở ra cơ hội giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển mạnh các sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc chất lượng cao và tạo ra sự liên kết giữa các vùng sản xuất; từ đó xây dựng thương hiệu hàng hóa của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân.

Nâng cao giá trị cho cây chè, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chú trọng xây dựng thương hiệu. Một trong số đó là chè Shan tuyết hữu cơ Bản Liền mang tên “Lương Gia Trà” của gia đình anh Lương Văn Cầu, dân tộc Tày, thôn Đội 2, xã Bản Liền. Từ một xưởng trà nhỏ, đến nay, sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu “Lương Gia Trà”, với sản phẩm chè Shan tuyết Bản Liền, thị trường tiêu thụ chè của xưởng đã được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu ra nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan). Trung bình mỗi năm xưởng thu mua trên 50 tấn chè búp tươi, 15 tấn chè khô cho người dân. Hiện tại, xưởng đã và đang đưa ra thị trường 5 sản phẩm chính gồm: Chè xanh Shan tuyết, chè đen Shan tuyết, chè phổ nhĩ, hồng trà, bạch trà.

Nhằm đẩy mạnh phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Bản Liền, năm 2022, “Lương Gia Trà” đã được Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, đảm bảo vệ sinh. Đầu năm 2023 tiến hành xây dựng tem, nhãn mác và đang xúc tiến xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao đối với các sản phẩm chè của “Lương Gia Trà”.

Cây chè mang lại sinh kế cho bà con tỉnh Lào Cai

Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã đề ra mục tiêu, kế hoạch năm 2023 trồng mới 1.055 ha chè, mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420 ha và tập trung đầu tư thâm canh trên 5.000 ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm.

Đặc biệt, địa phương đang phát triển và phục tráng giống chè cổ trên địa bàn để nâng cao giá trị vùng trồng chè; quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè để ngày càng có nhiều người biết đến và tin dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định để giúp đồng bào ở đây có thu nhập cao hơn từ cây chè cổ thụ.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Lào Cai

Tin cùng chuyên mục

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số