Đòi nợ kiểu “khủng bố” tiếp tục tái diễn
Chị Ngọc Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, rất bất ngờ khi những ngày gần đây nhận được các tin nhắn, cuộc gọi đòi nợ từ các đối tượng lạ. Các tin nhắn, cuộc gọi này yêu cầu chị trả số tiền gần 20 triệu đồng cho một người tên Minh, đính kèm số căn cước công dân nhưng không nêu rõ lý do vay mượn và chị cũng không biết người này là ai.
“Nội dung tin nhắn yêu cầu tôi và một loạt người khác phải trả số tiền này cho người vay tên Minh với lời lẽ thô tục. Bên cạnh đó, chúng còn hù dọa “trong vòng 24 giờ nếu không trả tiền, hồ sơ vay nợ này sẽ chuyển ra công ty mua bán nợ quốc tế”, “mọi vấn đề liên quan đến hình ảnh hợp đồng vay của ông/bà và những người trong sổ hộ khẩu không còn trong phạm vi quản lý của công ty” - chị Thu bức xúc.
Không chỉ bị nhắn tin đòi tiền, hăm dọa, hình ảnh Facebook của chị Thu còn bị ghép với những người khác rồi đăng lên mạng xã hội với lời lẽ thô tục. Bạn bè chị Thu cũng bị vạ lây khi thấy hình ảnh đòi nợ dưới bình luận trong trang cá nhân…
“Tình trạng không vay nợ mà bị “khủng bố” bằng tin nhắn, hình ảnh, bình luận trên mạng xã hội gần 1 năm nay không thấy, giờ bỗng dưng tái diễn khiến tôi rất sốc. Một số bạn tôi cũng nhận được tin nhắn tương tự, dù không vay nợ” - chị Thu lo lắng nói.
Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trung bình mỗi năm, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi; trong số đó có nhiều cuộc gọi của người tiêu dùng phản ánh về hành vi gọi điện khủng bố để đòi nợ của các công ty tài chính.
Người tiêu dùng phản ánh, khi làm thủ tục vay tiền qua ứng dụng (App), các App này yêu cầu người vay phải cho phép truy cập danh bạ điện thoại. Vì vậy, khi người vay không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu App sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ.
Các App tín dụng đen đang hoàn hành khắp nơi. Ảnh: Hà Anh |
Người tiêu dùng cần làm gì?
Với những phản ánh của người tiêu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, các tổng đài viên đã tư vấn cho người tiêu dùng bình tĩnh xử lý huống; đồng thời giải thích cho người tiêu dùng hiểu việc không quen biết người vay đồng nghĩa với việc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.
Song song đó, các tổng đài viên hướng dẫn người tiêu dùng, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về khoản vay. “Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý.
Cùng đó, người tiêu dùng được hướng dẫn thông báo, nêu cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung tương tự.
“Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ” - đại diện Ủy ban Cạnh tranh hướng dẫn, đồng thời cho biết thêm, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người tiêu dùng có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hơn hết, người tiêu dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Người tiêu dùng nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn vay tiền. Ảnh: Nguyễn Sơn |
Luật sư Nguyễn Khánh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ.
Còn tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 (sửa đổi, bổ sung ngày 27/01/2022 theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) quy định hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số điện thoại nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Như vậy, hành vi sử dụng thông tin nhằm đe dọa, quấy rối người khác có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Đối với hành vi đăng ảnh trên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm danh dự, thì người thực hiện hành vi vi phạm cũng bị phạt đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung ngày 27/01/2022 theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP), cụ thể:
“Phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 20.000.000 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” - Luật sư Nguyễn Khánh cho hay.
Nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống theo Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Còn nếu bị đăng ảnh trên mạng xã hội, bị hại hoàn toàn có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật và buộc người có hành vi vi phạm gỡ bỏ những hình ảnh, thông tin đó. Đồng thời, người bị gọi điện quấy rầy có thể ghi âm cuộc gọi và khiếu nại lên nhà mạng mà mình là khách hàng hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết” - vị luật sư thông tin.
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng khuyến cáo, nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người tiêu dùng nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay. Đồng thời, khi phát hiện những App cho vay tiền với lãi suất cao, người tiêu dùng cần liên hệ đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tránh hệ lụy khi vay tiền qua App hoặc qua các đối tượng “tín dụng đen”.