Sở Công Thương Hà Nội: Không thể 'tự ý' kiểm tra doanh nghiệp do ngành khác quản lý
Vụ sữa giả, thẩm quyền thanh tra không phải ngành Công Thương
Trước thông tin về vụ sữa giả và trách nhiệm của ngành Công Thương, sáng 19/4, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc này, bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.
Kho sữa giả của các đối tượng trong vụ 573 nhãn hiệu sữa giả |
Ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng (bao gồm cả việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm).
Ngành Công Thương chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường (không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng).
Do không phải là đơn vị có quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, Sở Công Thương không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa của 2 công ty này.
Đồng thời, do đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Sở Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của hai doanh nghiệp này.
Lực lượng Quản lý thị trường chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật để che đậy những hành vi vi phạm của sản phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ có thể bị phát hiện khi đem đi xét nghiệm. Thời gian qua, chưa có phản ánh nào từ phía người tiêu dùng để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.
Sẵn sàng tiếp nhận, xử lý thông tin về chất lượng sản phẩm do ngành quản lý
Cũng theo bà Nguyễn Kiều Oanh, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được Sở Công Thương Hà Nội quan tâm, triển khai và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND Thành phố, Sở đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm theo phân công, phân cấp, trong đó có nhóm sản phẩm sữa.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, hàng năm Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa thực phẩm nói chung, bao gồm cả mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng nói riêng lưu thông trên thị trường.
Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổ chức kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đối với 289 doanh nghiệp, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 47 doanh nghiệp với số tiền gần 400 triệu đồng.
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (trước đây là Cục Quản lý thị trường) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 2.256 vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm và liên quan đến an toàn thực phẩm; phạt hành chính tổng số tiền 31,669 tỷ đồng; xử lý buộc tiêu hủy số tang vật, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm trị giá gần 56,7 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng; tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là: 5.853 lon, hộp, chai với giá trị 200,1 triệu đồng.
Riêng trong năm 2024, đã kiểm tra, phát hiện và chuyển 2 vụ việc vi phạm liên quan đến sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra liên ngành cũng được Sở Công Thương quan tâm thực hiện. Hàng năm, vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm (tháng hành động vì an toàn thực phẩm, dịp Tết và Lễ hội), Sở Công Thương chủ trì 01 Đoàn liên ngành, kiểm tra công tác chỉ đạo điều hành của các quận, huyện, thị xã trong công tác an toàn thực phẩm và kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện và xử lý nghiêm các hành vi phạm.
Danh mục quản lý mặt hàng sữa của ngành Công Thương |
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu lưu thông trên thị trường (trong đó có sữa, sản phẩm từ sữa), trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Công Thương; phối hợp kiểm tra liên ngành trên địa bàn thành phố trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất chân chính cũng như người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp rà soát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường; thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm ngành Công Thương quản lý (bao gồm sữa, sản phẩm từ sữa) theo quy định pháp luật; kiên quyết chuyển sang cơ quan tố tụng để xử lý các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm có hậu quả nghiêm trọng, thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm,…
Công khai thông tin các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm trên trang thông tin điện tử và các cơ quan báo chí truyền thông để người tiêu dùng biết; đảm bảo các kênh tiếp nhận thông tin thường xuyên (qua bộ phận tiếp công dân, phản ánh hiện trường trên hệ thống iHanoi, đường dây nóng về an toàn thực phẩm) để sẵn sàng tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin của tổ chức, cá nhân, cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung, thực phẩm ngành Công Thương quản lý nói riêng (bao gồm sữa, sản phẩm từ sữa) có vi phạm về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường Hà Nội.
Hôm 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Theo quy định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả này có hệ sinh thái phủ cả nước. |