Thời đại số hóa phát triển mạnh mẽ, mang đến sự tiện lợi từ công nghệ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro ngày càng lớn, trong đó phải kể đến những chiêu trò lừa đảo qua mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn, đặc biệt nhắm vào những người có nhu cầu vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng.
Với nhiều hình thức khác nhau, từ việc giả danh nhân viên ngân hàng đến sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, ứng dụng di động (app) hay các website quảng cáo, hội nhóm trên mạng, các đối tượng lừa đảo thường chào mời lãi suất vay ưu đãi, dưới 20%/năm. Nhưng khi trở thành “con nợ”, hàng loạt phí bắt đầu nảy sinh như phí quản lý vay, phí hồ sơ, khiến số tiền lãi cao vọt, rồi “lãi mẹ đẻ lãi con," lãi chồng lãi"...
Một thủ đoạn tinh vi khác mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là biến tướng của “tín dụng đen”. Chúng lập các hợp đồng giả mạo với người vay tín chấp, thế chấp. Khi người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn và chấp nhận trả lãi suất cao, nếu mất khả năng chi trả, họ sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.
Các đối tượng giả mạo làm nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính để tiếp cận người dân, sử dụng điện thoại, tin nhắn SMS, Zalo để liên lạc với nạn nhân và đưa ra những lời mời hấp dẫn như mở thẻ tín dụng với thủ tục nhanh chóng hoặc vay tiền với lãi suất thấp, ưu đãi. Khi người dân đồng ý, chúng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng và mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) để tiến hành các giao dịch. Sau khi có được những thông tin này, kẻ gian sẽ liên kết tài khoản của nạn nhân với các ví điện tử hoặc tiến hành mua sắm, từ đó chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.
Một phương thức khác cũng đang được cảnh báo rộng rãi là chiêu trò cho vay tiền qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp và thủ tục nhanh gọn. Sau khi nạn nhân tin tưởng, chúng yêu cầu họ nộp trước nhiều khoản phí như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm với lời hứa giải ngân ngay sau đó. Tuy nhiên, sau khi chuyển phí làm hồ sơ, người vay vẫn không nhận được bất kỳ khoản tiền nào như cam kết và không thể liên lạc lại với các đối tượng lừa đảo.
Các chiêu trò lừa đảo qua mạng, nhắm vào người dân có nhu cầu vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng. Ảnh: VTV) |
Chị Phan Minh Anh, nhân viên văn phòng ở quận Tân Bình, chia sẻ: "Tôi từng nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để hỗ trợ mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, sau khi nghe qua, tôi nghi ngờ và không thực hiện theo yêu cầu. Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác và luôn kiểm tra lại thông tin trước khi làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ người lạ".
Tương tự, anh Hà Thanh Tùng, một tiểu thương tại chợ Bến Thành, cũng từng suýt trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng xã hội. "Tôi nhận được tin nhắn qua Zalo từ một tài khoản giả danh nhân viên công ty tài chính, quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp. May mắn là tôi đã hỏi ý kiến bạn bè và không tiến hành chuyển khoản trước theo yêu cầu của họ" - anh Tùng cho biết.
Theo PGS – TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính và bảo mật ngân hàng, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng được đầu tư công phu, từ cách thức tiếp cận nạn nhân đến việc xây dựng lòng tin. Ông Huân khuyến cáo: "Người dân cần hết sức thận trọng trước các thông báo hoặc yêu cầu từ những nguồn không chính thống. Khi nhận được thông tin, cần xác thực lại bằng cách kiểm tra trên trang web chính thức của ngân hàng hoặc đến trực tiếp trụ sở để làm việc, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người lạ qua tin nhắn, điện thoại".
Luật sư Châu Xuân Nhân Bằng, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH D.P.T, khuyến cáo: “Người dân không nên cung cấp thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân lên các trang mạng như Facebook, Zalo..., cũng như không tham gia vay mượn tiền qua các app điện thoại hay các hoạt động “tín dụng đen", cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Khi phát hiện trên địa bàn mình cư trú có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cần kịp thời tố giác với cơ quan công an. Khi bị các đối tượng gọi điện thoại "khủng bố" đòi nợ, phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ, như: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống...”
Công nghệ số mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng đồng thời là "miếng mồi béo bở" cho các đối tượng lừa đảo. Cảnh giác và cẩn trọng là cách tốt nhất để bảo vệ tài chính cá nhân và tránh những mất mát không đáng có.