Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký Văn bản số 11453/UBND – THNC ngày 9/9/2024 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đạt kết quả tích cực. Nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động đã bị xử lý, tự tan rã, các hành vi đòi nợ, siết nợ, tạt sơn… không còn manh động như trước.
UBND tỉnh Đồng Nai xử lý nghiệp hoạt động tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp (Ảnh: CTV) |
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng đen vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, nỗi lên là xu hướng các loại tội phạm núp bóng doanh nghiệp, chia thành nhiều bộ phận, sử dụng công nghệ cao nhằm thực hiện các hoạt động thanh toán, chi hộ, thu hộ, rửa riền, có đối tượng người nước ngoài chỉ đạo điều hành.
Đồng thời, hoạt động này có sự chuyển dịch của hoạt động tội phạm từ truyền thống sang kết hợp với công nghệ và sử dụng công nghệ cũng ngày càng mở rộng, liên quan đến nhiều tội danh khác nhau. Các nhóm tội phạm hoạt động không phân biệt địa bàn, xuyên quốc gia, lợi dụng các dịch vụ trung gian thanh toán để cắt giảm các công đoạn thực hiện trực tiếp, như: lừa đảo, tổ chức đánh bạc, mua bán người, bộ phận cơ thể người, mua bán tài khoản, dữ liệu cá nhân, xâm nhập mạng máy tính, mạng viễn thông…
Do đó trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai yêu các sở ban ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến về hành vi vi phạm trong hoạt động tín dụng đen. Trong đó, tập trung hướng đến những người dễ trở thành nạn nhân của loại hình này (như khó khăn về kinh tế, công nhân, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp…).
Để thiện tốt công tác quản lý về an ninh trật tự, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, doanh nghiệp núp bóng hoạt động tín dụng đen, quản lý người nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các huyện, thành phố thành lập Tổ liên ngành để kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động tín dụng đen hoặc móc nối, tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen.
Đồng thời, tấn công mạnh mẽ, quyết liệt đối với tội phạm và vi phạm pháp liên quan đến tín dụng đen. Đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, nhóm đối tượng nghi vấn, nhất là số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động tín dụng đen.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Ngân hàng nhà nước - chi nhánh Đồng Nai, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để rà soát các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ xác minh, xử lý tội phạm theo các quy định của pháp luật.
Các thành phố, huyện trong tỉnh phối hợp với Ngân hàng nhà nước - chi nhánh Đồng Nai nhằm kịp thời đề xuất, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận nguồn vốn; phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu các kênh vay vốn chính thống. Đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng vi mô; đưa ra các hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn nhằm hạn chế tối đa tình trạng người dân có nhu cầu vay tiến chính đáng nhưng không vay được vốn, phải tìm đến các hình thức tín dụng đen.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, trong thời gian 6 tháng thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tôi phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen (từ 15/9/2023 - 29/2/2024) cơ quan điều tra của tỉnh này đã phát hiện, xử lý 16 vụ với 37 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong đó, có 23 bị can đã bị khởi tố, xử phạt hành chính. Công an tỉnh Đồng Nai nhận định, mặc dù thời gian qua nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen đã bị xử lý, các loại tội phạm có tính chất bạo lực, phô trương thanh thế đã không còn manh động như giai đoạn trước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. |