Vì sao sản phẩm kém chất lượng vẫn có chứng nhận ISO?
Thời gian gần đây, các vụ việc sản xuất hàng giả, hàng không đạt tiêu chuẩn như công bố đã được cơ quan chức năng phát hiện (điển hình là vụ việc kẹo rau củ Kera và đường dây sữa giả 500 tỷ đồng) nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Ngoài thông tin liên quan tới quy mô, số tiền vi phạm, số lượng hàng bị thu giữ, số đối tượng bị bắt giữ... một thông tin quan trọng khác được người dùng chú ý là dù sản xuất hàng giả, không đúng công bố nhưng các doanh nghiệp vi phạm vẫn có "hồ sơ đẹp" và các chứng nhận về an toàn thực phẩm. Vậy vì sao một doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có thể có đầy đủ các chứng nhận này?
Không phải có chứng nhận là sản phẩm đảm bảo chất lượng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn, đồng thời là một chuyên gia về chứng nhận sản phẩm cho biết, điểm chung của các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như ISO 22000 hay HACCP là tập trung vào việc xây dựng và duy trì một hệ thống quản lý nhằm kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
Việc một doanh nghiệp đạt được các chứng nhận này là một tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã có sự đầu tư vào quy trình, cơ sở vật chất và cam kết về sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lại đang sử dụng các logo chứng nhận ISO 22000 hay HACCP để in trực tiếp lên bao bì sản phẩm hoặc sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch quảng cáo một cách bừa bãi, đi kèm những lời lẽ mập mờ, chẳng hạn như "Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt chuẩn ISO 22000".
"Việc này khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng chính sản phẩm đó đã được chứng nhận về chất lượng hoặc độ an toàn tuyệt đối. Đây là một sự nhầm lẫn nguy hiểm, bắt nguồn từ việc không hiểu rõ bản chất của từng loại hình chứng nhận trong lĩnh vực thực phẩm", Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn cho hay.
Cơ quan chức năng kiểm đếm các sản phẩm vi phạm trong đường dây sản xuất sữa giả 500 tỷ đồng vừa bị phát hiện. Ảnh: VTV |
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn, hiện nay có 2 dạng chứng nhận thường được các doanh nghiệp thực phẩm sử dụng. Đầu tiên là chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Ví dụ điển hình là ISO 22000 (theo TCVN ISO 22000:2018), HACCP (theo TCVN 5603:2008 - Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm), FSSC 22000...
Bản chất của các chứng nhận này chính là căn cứ xác nhận doanh nghiệp đã thiết lập và vận hành một hệ thống quản lý (bao gồm quy trình, kiểm soát, hồ sơ, năng lực nhân sự...) có khả năng nhận diện và kiểm soát hiệu quả các mối nguy về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Việc đạt được chứng nhận này chứng minh doanh nghiệp có năng lực sản xuất ra sản phẩm an toàn một cách ổn định. Tuy nhiên, nó không đánh giá hay chứng nhận chất lượng/an toàn của từng lô sản phẩm cụ thể.
Dạng thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Căn cứ để cấp giấy chứng nhận này là Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Về mặt bản chất, giấy chứng nhận này xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và các điều kiện vệ sinh cơ bản khác tại thời điểm kiểm tra. Đây là điều kiện pháp lý cần để hoạt động, nhưng chưa phải là bằng chứng cho một hệ thống quản lý tiên tiến hay chất lượng vượt trội của sản phẩm.
Vì sao sản xuất hàng giả vẫn có chứng nhận ISO?
Thời gian qua, cũng đã xuất hiện câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn: Tại sao có tình trạng cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn được chứng nhận ISO?
Về việc này, Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn cho rằng, câu trả lời nằm ở nhiều yếu tố:
Thứ nhất, việc chứng nhận chỉ là "lát cắt thời điểm". Điều này có nghĩa là việc đánh giá chỉ diễn ra định kỳ hoặc tại một thời điểm nhất định. Doanh nghiệp có thể chuẩn bị kỹ lưỡng để "đối phó" với việc đánh giá, cấp chứng nhận nhưng sau khi đạt chứng nhận lại lơ là việc duy trì, tuân thủ các yêu cầu của chứng nhận trong hoạt động hàng ngày.
Từ đó dẫn tới việc trước và khi đạt chứng nhận, sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng tốt, ổn định. Tuy nhiên, sau đó chất lượng bị suy giảm, thiếu ổn định do những yêu cầu của chứng nhận đã không được doanh nghiệp tuân thủ như lúc đầu.
Tựu chung lại, việc một doanh nghiệp đạt được chứng nhận chỉ là bước đầu, còn việc doanh nghiệp có nghiêm túc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất hay không là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Chứng nhận không phải là một tờ cam kết hay bảo đảm về việc doanh nghiệp sẽ không làm giả, hoặc không sản xuất hàng kém chất lượng. Việc doanh nghiệp làm giả, sản xuất hàng kém chất nằm ở chủ quan của doanh nghiệp, khi đạo đức kinh doanh xuống cấp.
Thực tế cho thấy, các cơ quan cấp chứng nhận không thể quản lý được việc doanh nghiệp được cấp chứng nhận có làm giả hoặc sản xuất hàng kém chất lượng hay không. Bởi theo quy định, việc đánh giá, chứng nhận được tiến hành định kỳ, trong thời điểm cụ thể chứ không phải là hoạt động kiểm tra, đánh giá liên tục, diễn ra hàng ngày.
Thứ hai, sự khác biệt giữa giấy tờ và thực tế. Có doanh nghiệp thiết kế được hệ thống quản lý an toàn thực phẩm rất tốt nhưng việc áp dụng thực tế lại hời hợt, không nhất quán do thiếu cam kết, cắt giảm chi phí hoặc cố tình làm sai lệch.
Thứ ba, hạn chế của quy trình đánh giá. Đánh giá viên/đoàn kiểm tra có thời gian và nguồn lực giới hạn, khó có thể phát hiện mọi sai sót tiềm ẩn, đặc biệt khi doanh nghiệp cố tình che giấu.
Thứ tư, sự suy giảm sau chứng nhận. Điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống quản lý có thể xuống cấp nếu không được doanh nghiệp duy trì, cải tiến liên tục sau khi đã được cấp chứng nhận/giấy phép.
"Đằng sau thực trạng lạm dụng chứng nhận và sản xuất hàng kém chất lượng cũng còn những nguyên nhân sâu xa hơn. Đầu tiên là cơ chế tự công bố, vẫn được ví như "con dao hai lưỡi". Cụ thể, Nghị định 15/2018/NĐ-CP hiện cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm. Cơ chế này tạo thuận lợi nhưng cũng là kẽ hở nếu doanh nghiệp thiếu trung thực và công tác hậu kiểm không theo kịp.
Yếu tố tiếp theo là bài toán lợi nhuận. Áp lực cạnh tranh và lòng tham lợi nhuận đã khiến một bộ phận doanh nghiệp đặt lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng và uy tín thương hiệu, sẵn sàng cắt xén quy trình, sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Một yếu tố quan trọng nữa là việc thiếu chế tài đủ mạnh và giám sát hiệu quả. Việc xử lý vi phạm đôi khi chưa đủ nghiêm khắc, công tác hậu kiểm còn mỏng, chưa tạo ra sự răn đe cần thiết", Luật sư Nguyễn Đỗ Sơn nói thêm.
Việc doanh nghiệp đạt chứng nhận ISO về thực phẩm không có nghĩa là mọi sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra thị trường đều đảm bảo chất lượng. Ảnh minh hoạ |
Tăng hậu kiểm, siết chặt quảng cáo
Cùng trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một chuyên gia chứng nhận khác cho rằng, việc lạm dụng chứng nhận ISO để quảng cáo và thông tin sai lệch về chứng nhận sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng thiệt hại kinh tế, mất tiền mua phải sản phẩm không như mong đợi, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe, dần mất niềm tin vào các chứng nhận do doanh nghiệp cung cấp, quảng cáo.
Tổ chức chứng nhận uy tín cũng sẽ bị "vạ lây", giảm giá trị thương hiệu và "nản chí" trong nỗ lực xây dựng niềm tin vào hoạt động chứng nhận khách quan, minh bạch. Doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có từ việc đầu tư nghiêm túc vào chất lượng và hệ thống quản lý. Thị trường cũng sẽ trở nên méo mó, thiếu minh bạch, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm thực sự chất lượng và an toàn.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ tất cả các bên liên quan. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần siết chặt hậu kiểm, tăng cường tần suất và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm sau khi lưu thông. Đặc biệt tập trung vào các nhóm sản phẩm rủi ro cao (thực phẩm cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền...). Áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc, công khai thông tin vi phạm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan.
Thực thi nghiêm Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, sai sự thật về chứng nhận và chất lượng sản phẩm; nâng cấp và quảng bá các kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh của người tiêu dùng một cách hiệu quả, kịp thời.
Đối với tổ chức chứng nhận, cần truyền thông và hướng dẫn, tăng cường phổ biến kiến thức, làm rõ ý nghĩa, phạm vi của từng loại chứng nhận cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ban hành quy định chặt chẽ về việc sử dụng dấu chứng nhận. Đồng thời, thiết lập cơ chế tiếp nhận và xác minh phản ánh từ thị trường. Kích hoạt các cuộc đánh giá, giám sát đột xuất đối với các cơ sở bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Đảm bảo năng lực và tính chính trực của đội ngũ chuyên gia đánh giá.
Đối với doanh nghiệp, cần đặt đạo đức kinh doanh và sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu. Cung cấp thông tin sản phẩm, chứng nhận một cách trung thực, minh bạch, đúng bản chất.
Duy trì sự tuân thủ liên tục, xem việc đạt chứng nhận chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm trong suốt quá trình hoạt động.
Đối với người tiêu dùng cần thông thái hơn, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm và ý nghĩa các loại chứng nhận. Đọc kỹ nhãn mác, không nên chỉ dựa vào logo chứng nhận hệ thống để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Thêm vào đó, cần chủ động phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, tổ chức chứng nhận hoặc các kênh truyền thông khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm hay quảng cáo sai sự thật.
Minh bạch hóa thông tin và siết chặt quản lý việc sử dụng các chứng nhận trong ngành thực phẩm là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao uy tín cho hàng hóa Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. |