Năm 2019 - hơn 12.000 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo
Năm 2019, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình), ngân sách trung ương đã bố trí trên 10.400 tỷ đồng; vốn đối ứng địa phương và các nguồn huy động hợp pháp tại 40/63 tỉnh là 2.177 tỷ đồng.
![]() |
Người dân xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thoát nghèo nhờ phát triển sản phẩm chè Shan tuyết |
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý...
Theo đó, đã hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 1,3 triệu hộ nghèo; hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo; thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Đã có hơn 1,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm cho gần 267.000 lao động, trong đó gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 19.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách...
Nguồn quỹ và nguồn an sinh xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã xây mới và sửa chữa 16.121 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; thăm, tặng 1.826.000 suất quà tết trị giá trên 913 tỷ đồng cho các hộ gia đình nghèo; thăm, tặng quà các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người khuyết tật…
Với những cố gắng và quyết tâm của nhiều cấp, nhiều ngành và người dân cả nước, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân chỉ còn khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018). Đặc biệt, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3 - 4% so với cuối năm 2018.
Vẫn còn khoảng 17,82% số hộ tái nghèo
Mặc dù số hộ nghèo trên cả nước đã giảm mạnh, nhưng thực tế việc giảm nghèo chưa bền vững, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Đến nay, tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn chiếm khoảng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo. Bên cạnh những nguyên nhân chủ yếu như: Thiên tai, tách hộ… hiện vẫn còn một số chính sách không còn phù hợp, nhưng vẫn chậm sửa đổi, bổ sung. Chủ yếu là những chính sách mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, thời vụ; trực tiếp, cho không, cào bằng; chỉ giải quyết được một số khó khăn trước mắt chứ không mang tính bền vững.
Bên cạnh đó, một số Ban chỉ đạo giảm nghèo ở địa phương hoạt động chưa hiệu quả, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa quyết liệt. Đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là cán bộ làm công tác lao động, thương binh - xã hội, thông tin cơ sở và các hội, đoàn thể không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến việc chỉ đạo điều hành trong công tác giảm nghèo.
Thực tế này đã và đang dẫn đến chênh lệch giàu - nghèo, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Kết nối, tạo nguồn lực tổng hợp
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tổ chức mới đây tại Hà Nội, các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất, cần tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong gian đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để chương trình đạt mục tiêu đặt ra, phải đổi mới phương pháp tiếp cận, các cách thức hỗ trợ, tiêu chí đánh giá… nhằm kết nối tất cả các chương trình, tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp hỗ trợ người nghèo về sinh kế, xóa nhà dột nát, cải thiện điều kiện sống.
Cụ thể, năm 2020, cần tập trung huy động tối đa nguồn lực và dồn sức hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo DTTS giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Muốn làm được điều này, một trong những yếu tố được các đại biểu nhấn mạnh, đó là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn phải được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; rà soát, đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, có sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư…