Sau gần chục năm xây dựng chợ Phú Đô được đầu tư với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng vẫn "cửa đóng then cài" và đang có dấu hiệu xuống cấp. |
Chợ dân sinh Phú Đô xây mới nhưng sau nhiều năm không được sử dụng đã có biểu hiện xuống cấp, xung quanh thì nhếch nhác, cỏ dại, cây dại mọc um tùm và đã có nhiều vết nứt sân, tường. Một số chỗ bên trong chợ được trưng dụng thành nơi tập kết vật liệu, máy móc, thả gà....
Trong chợ cây cỏ dại mọc um tùm và trở thành nơi "hứng" rác thải |
Theo quan sát của phóng viên Báo Công Thương, hiện tại đường vào chợ dân sinh Phú Đô gập ghềnh, hai bên tập kết vật liệu xây dựng ngổn ngang, chợ vẫn ở trong tình trạng "cửa đóng, then cài".
Tìm hiểu được biết, dự án mở rộng chợ dân sinh phường Phú Đô được UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3551/QĐ-UBND ngày 12/11/2014. Ngày 20/8/2016, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm ra thông báo mời thầu thực hiện dự án mở rộng chợ dân sinh phường Phú Đô, giá gói thầu hơn 18 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ phần xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị của dự án). Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách của quận Nam Từ Liêm.
Từ cuối năm 2016, khi bắt đầu khởi công xây dựng chợ, UBND phường Phú Đô đã vận động bà con tiểu thương sang kinh doanh buôn bán ở khu chợ tạm phía sau dự án trong vòng 7 tháng thì được về chợ mới khang trang, sạch sẽ. Theo tiến độ xây dựng, cuối năm 2017 dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, từ gần 10 năm nay, chợ dân sinh Phú Đô vẫn chưa một lần mở cửa hoạt động và người dân vẫn đang buôn bán tại khu chợ tạm chật hẹp, ẩm thấp.
Được đầu tư với số tiền hơn 18 tỷ đồng nhưng vẫn có những "cái ao" mọc lên giữ chợ. |
Nhiều tiểu thương tại khu chợ tạm bức xúc phản ánh: Khu chợ tạm rất lụp xụp, chật hẹp, nhếch nhác, lại còn nằm trong ngõ nên việc kinh hoanh buôn bán của họ bị ảnh hưởng. Bà con rất mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để chợ mới sớm đi vào hoạt động.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân dự án chợ dân sinh Phú Đô vì sao chưa được đưa vào sử dụng, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ sở Công Thương TP. Hà Nội để có thông tin rõ hơn về tình trạng hoang hoá của khu chợ. Tuy nhiên, sau nhiều hứa hẹn trả lời các nội dung liên quan tới chợ dân sinh được xây dựng xong bỏ hoang trên địa bàn, nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ cơ quan này...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hợp tác xã Phú Đô (đơn vị được cho là sau khi đi vào hoạt động sẽ chịu trách nhiệm quản lý chợ) cho biết: Chợ dân sinh Phú Đô (nằm trên khu chợ của Hợp tác xã Phú Đô cũ) được sự đóng góp của hơn 1000 xã viên Hợp tác xã đóng góp xây dựng từ năm 2007. Nhằm phục vụ mục đích giao thương buôn bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân trong khu vực. Việc quy hoạch, xây dựng các chợ dân sinh là một chủ trương đúng đắn và cấp bách. Đến năm 2017 được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, quận Nam Từ Liêm được giao làm chủ đầu tư xây dựng dự án mở rộng chợ dân sinh Phú Đô.
Để chờ xây dựng chợ mới, chúng tôi phải chuyển các hộ kinh doanh sang chợ tạm, với dự định 7 tháng sẽ chuyển sang chợ mới nhưng đến nay đã... hơn 7 năm. Mong mỏi của các xã viên Hợp tác xã cũng như các tiểu thương đang kinh doanh ở đây là chợ sớm đi vào hoạt động để họ yên tâm kinh doanh.
“Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã có đơn gửi phòng Kinh tế hạ tầng, Ban Quản lý Chợ của quận Nam Từ Liêm xin cho Hợp tác xã quản lý vận hành khi chơ đi vào hoạt động”, đại diện Hợp tác xã cho hay.
Chợ được đầu tư hơn 18 tỷ đồng giờ để phơi đồ, chỗ tắm cho một số hộ dân xung quanh. |
Việc chợ xây dựng xong rồi “đắp chiếu” không chỉ gây lãng phí đất đai, lãng phí tiền ngân sách mà nó còn đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước.
Đối với chợ dân sinh Phú Đô nhiều năm liền chưa được đưa vào sử dụng cho thấy sự “chây ỳ” của các cấp chính quyền sở tại trong việc xử lý các vướng mắc khiến dư luận hết sức bức xúc. Đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, với tư cách là chủ đầu tư dự án trên, cần có trách nhiệm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để sớm đưa chợ dân sinh Phú Đô đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về nội dung trên.