Thứ năm 28/11/2024 22:42

Doanh nghiệp dệt may: Cần chú trọng xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa

Thị trường nội địa với 100 triệu dân, thu nhập tăng, nhu cầu cao chính là thị trường quan trọng đối với doanh nghiệp, sản phẩm dệt may.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường nội địa đối với các sản phẩm dệt may Việt Nam?

Thị trường nội địa Việt Nam có 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng. Hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt Nam vào khoảng 4000 USD và 5 đến 10 năm tới có khả năng đạt 5.000 – 8.000 USD/người/năm. Thu nhập được cải thiện khiến nhu cầu của người dân ngày càng tăng lên, không chỉ với hàng hoá thiết yếu mà cả với những nhóm ngành hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử…

Chưa kể, việc tham gia các khung khổ hội nhập, các FTA ngày càng khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn khi hàng hoá nước ngoài nhập khẩu có thể tràn vào Việt Nam với giá rẻ do được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, hiện nay, thị trường nội địa Việt Nam không chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may nói riêng và doanh nghiệp nhiều ngành hàng khác nói chung không có lý gì không vươn lên để nắm lấy sân nhà, phối hợp với các kênh phân phối để phục vụ tiêu dùng nội địa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ nội địa cho các sản phẩm dệt may. Theo ông, các giải pháp này đã mang lại hiệu quả ra sao?

Để chiếm lĩnh được thị trường nội địa, xúc tiến thương mại là giải pháp rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nội địa lớn như: Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia, sự kiện Tuần lễ thương mại điện tử Việt Nam… Các chương trình này đã tiếp cận cả những phương thức mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cũng nhận được nguồn kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để triển khai các triển lãm, hội chợ, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn… Theo tôi, các sự kiện này đều mang lại những kết quả khả quan trong việc quảng bá, kích thích tiêu dùng hàng hoá nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.

Tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa các sự kiện xúc tiến thương mại này. Ví dụ, tổ chức hội chợ nhưng phải đạt được những hiệu quả tốt hơn trong việc kết nối các doanh nghiệp với nhau, tăng liên kết để bổ sung cho nhau, cùng nâng cao sức cạnh tranh. Phải kết nối được hàng hoá của doanh nghiệp sản xuất vào các kênh phân phối, đặc biệt là siêu thị, vì đây là nơi có sức mua cao. Doanh nghiệp đưa hàng hoá vào đây có thể dễ dàng quảng bá thương hiệu.

Đồng thời, phải thu hút được những công nghệ dệt, công nghệ may tiên tiến để nâng chất lượng sản phẩm, giảm thời gian, giảm giá thành.

Hội chợ cũng cần trở thành nơi thực sự quảng bá hàng thật, nơi chia sẻ cho người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả. Tránh việc tổ chức hội chợ để tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, có thể thấy, hiện nay, thị trường nông thôn, miền núi là thị trường rất tiềm năng với nhu cầu hàng hoá Việt, hàng hoá chính hãng cao. Cho nên, doanh nghiệp cần tăng cường các giải pháp đưa hàng hoá về khu vực này để phục vụ người tiêu dùng.

Tóm lại, khi tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, phải đặt mục tiêu đạt được nhiều mục đích, vừa nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, vừa tạo sự liên kết, vừa minh bạch thông tin. Có như vậy, các sự kiện xúc tiến thương mại mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thị trường nội địa rất tiềm năng với hàng dệt may Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dệt may cần triển khai các giải pháp ra sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, thưa ông?

Đối với nhà sản xuất, hiện nay doanh nghiệp sản xuất dệt may vẫn chủ yếu làm gia công chứ không làm từ đầu đến cuối. Việc gia công sẽ phục vụ chủ yếu xuất khẩu chứ ở trong nước mà làm gia công thì không hiệu quả.

Để chinh phục thị trường nội địa, doanh nghiệp sản xuất phải chủ động nâng cao năng lực của mình từ khâu đầu đến cuối, từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Phải chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng…

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may phần nhiều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu riêng lẻ từng doanh nghiệp thì sẽ không làm nổi. Các doanh nghiệp dệt may cần liên kết, mang thế mạnh liên kết với nhau, bổ sung cho nhau, giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh.

Đồng thời, quan trọng là phải liên kết với kênh phân phối, đặc biệt là siêu thị để đưa hàng hoá được ra thị trường. Tuy nhiên, phải hài hoà lợi nhuận giữa doanh nghiệp sản xuất và siêu thị, tránh chiết khấu quá cao, doanh nghiệp không đưa được hàng hoá vào siêu thị.

Đặc biệt là đưa hàng hoá đến các khu vực nông thôn, miền núi, bởi nếu tự mở kênh phân phối ở khu vực này thì sẽ không hiệu quả vì chi phí cao. Trong khi thu nhập người tiêu dùng nông thôn còn hạn chế.

Đặc biệt, phải tranh thủ tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại do các hiệp hội, địa phương, Bộ Công Thương tổ chức. Vì đây là cơ hội quảng bá tốt cho sản phẩm với chi phí rẻ, thậm chí khi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm do Bộ Công Thương tổ chức, doanh nghiệp còn được miễn phí gian hàng. Đây là cơ hội rất tốt.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan truyền thông để quảng bá cho sản phẩm của mình. Hiện tôi biết nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có hàng hoá chất lượng rất tốt, giá phải chăng nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết đến.

Hiện nay, mạng xã hội rất phát triển. Đây là kênh mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tự quảng bá hàng hoá, sản phẩm của mình. Nếu doanh nghiệp tự livestream bán hàng, người tiêu dùng sẽ có sự trải nghiệm tốt hơn, tin tưởng hơn nhờ trực tiếp nhìn thấy hàng hoá. Làm nội địa tiềm năng nhưng rất nhiều việc “lắt nhắt”, doanh nghiệp phải năng động, xông xáo, “tay 5 tay 10” thì mới thành công.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, cần tăng cường bảo vệ hàng hoá bằng cách chống hàng giả, hàng rởm, bảo vệ nhà sản xuất và phân phối chân chính.

Ngoài ra, hệ thống chợ sức cạnh tranh yếu, do cả lý do chủ quan và khách quan. Nhà nước phải đầu tư hoặc có chính sách thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại tại các khu chợ này vì hiện nay, nhiều người tiêu dùng nông thôn vẫn mua sắm nhiều ở chợ. Trong khi, đây là đối tượng có nhu cầu rất lớn về hàng hoá, đặc biệt là dệt may.

Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư cho hệ thống logistics thật tốt để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hà
Bài viết cùng chủ đề: Xúc tiến thương mại

Tin cùng chuyên mục

90% doanh nghiệp do nữ lãnh đạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh nội địa hóa, chiếm lĩnh thị phần

Đang diễn ra Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ: Thương mại song phương tăng gấp 2-3 lần

256 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tận dụng cơ hội từ chuyển đổi xanh

Cà Mau đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP nông, thủy sản

Doanh nghiệp Việt chuyển mình 'xanh hoá' từ tư duy đến hành động

Gian hàng Việt Nam được quan tâm tại Hội chợ ẩm thực và đồ uống châu Á tại Sơn Đông, Trung Quốc

Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA

Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại Hoa Kỳ

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

CLEANFACT và RHVAC VIETNAM 2024: Điểm đến của nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương