Đắk Lắk: Công bố nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”
Huyện Cư M’gar có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với diện tích 63.000ha, trong đó diện tích cây công nghiệp trên 51.000ha, cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su tổng giá trị ngành nông nghiệp chiếm 37%.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực của Đắk Lắk |
Thực hiện chủ trương của tỉnh Đắk Lắk về tái cơ cấu nông nghiệp và kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua huyện đã chuyển đổi một số nhóm cây trồng không hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Đến nay, diện tích sầu riêng của huyện đạt hơn 4.500ha, trong đó huyện đã quy hoạch vùng trồng tập trung tại xã Ea Tar và các xã lân cận với diện tích trên 1.000ha. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, toàn huyện có hơn 1.000ha kinh doanh, sản lượng ước đạt trên 20 nghìn tấn. Dự báo trong thời gian tới diện tích và sản lượng sầu riêng của huyện Cư M’gar sẽ dẫn đầu toàn tỉnh.
Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn huyện, UBND huyện Cư M’gar đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar”, tên tiếng Anh “Cư M’gar Durian”, và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận theo Quyết định số 5327 ngày 10/7/2023.
Theo UBND huyện Cư M’gar, nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cư M’gar” sẽ là cơ sở giúp cho người trồng sầu riêng yên tâm lao động sản xuất để tạo ra giá trị sản phẩm được khách hàng tin tưởng sử dụng, tạo thêm uy tín đối với sản phẩm “Sầu riêng Cư M’gar”, mang lại nguồn lợi có giá trị về kinh tế lớn đối với người trồng sầu riêng.
Thông qua chứng nhận nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar” là cơ sở để huyện quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người huyện Cư M’gar đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó giới thiệu các sản phẩm giàu bản sắc văn hóa của huyện Cư M’gar, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời tạo cơ hội liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh đến năm 2030.
Để thương hiệu “Sầu riêng Cư M’gar” khẳng định được vị trí của mình, trở thành thương hiệu nổi tiếng cả thị trường trong nước và quốc tế, góp phần mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình và thúc đẩy kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển, thì cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và các cơ quan có liên quan xác định sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để các doanh nghiệp và người dân biết, từ đó tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”.
Các đơn vị liên quan quan tâm xây dựng các quy định, quy chế quản lý nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”, phát huy tối đa nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thể khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận một cách hiệu quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.
Ngoài ra, các địa phương xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thương hiệu “Sầu riêng Cư M’gar” từ đầu tư sản xuất, chăm sóc đến thu mua, chế biến sầu riêng; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị. Quan tâm công tác giáo dục, tuyên truyền để người nông dân liên kết tham gia sản xuất sầu riêng một cách bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sầu riêng và giữ chữ tín trong cả quá trình từ sản xuất đến ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm.
Thời gian tới, huyện Cư M’gar xác định tiếp tục xây dựng quy chế quản lý, sử dụng để bảo vệ và phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu sầu riêng Cư M'gar.
Theo Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, nhãn hiệu sầu riêng Cư M'gar được chứng nhận là cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường cho sầu riêng địa phương. Đây là thương hiệu sầu riêng thứ hai của tỉnh được chứng nhận, sau thương hiệu sầu riêng Krông Pắk.
Xuất khẩu sầu riêng thời gian qua đã mang lại hơn 1 tỷ USD kim ngạch. Ở thị trường trong nước, sầu riêng đang được thu mua với giá 70.000-95.000 đồng/kg. Đây được đánh giá là mức giá cao chưa từng có đối với sầu riêng của tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Đắk Lắk.