Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và Quảng Tây (Trung Quốc)
Nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Chương trình phổ biến thông tin, quy định của thị trường Trung Quốc đối với nông - thủy sản nhập khẩu và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và Quảng Tây (Trung Quốc) tại tỉnh Đồng Tháp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Tháp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và Trung Quốc đạt 126 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 107 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 18,9 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, giày da, sản phẩm sau gạo, bánh phồng tôm...
Hội nghị Phổ biến thông tin, quy định của thị trường Trung Quốc đối với nông - thủy sản nhập khẩu và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và Quảng Tây (Trung Quốc) |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp được biết đến là tỉnh nông nghiệp với vùng nguyên liệu dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng như lúa gạo, cá tra, trái cây… Tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời định hướng lấy công nghiệp chế biến làm động lực phát triển.
Ông Dũng nhận định, chất lượng nông - thủy sản của tỉnh ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Được biết, trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó nông - thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao và Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, thị trường Trung Quốc đã và đang có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra vùng trồng… ngày càng hoàn thiện và triển khai thực thi một cách chặt chẽ hơn.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) |
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá, Quảng Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quảng Tây là một trong những cửa ngõ quan trọng hàng đầu để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm, điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước hai bên cần hỗ trợ kết nối, mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Sơn, Bộ Công Thương và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây luôn phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi thương mại song phương đặc biệt là thương mại nông sản và đã đưa việc tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam vào Danh mục nhiệm vụ trọng tâm giữa hai bên để thực hiện trong năm 2023.
"Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây đã phối hợp mời các doanh nghiệp Quảng Tây hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông sản, thủy sản tham gia Hội nghị này, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại" - ông Sơn thông tin.
Đại diện gần 20 doanh nghiệp ở Quảng Tây (Trung Quốc) và nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương |
Bà Đặng Văn Quyên - Hàm Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc giới thiệu tại hội nghị về tiềm năng, lợi thế địa lý của tỉnh Quảng Tây trong hợp tác thương mại với Việt Nam. Chính quyền Quảng Tây đã và đang tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam; đồng thời đang phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại nông sản qua cửa khẩu biên giới hai nước, trong đó bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam.