Phụ kiện MAX: Dùng xe hết đăng kiểm bán hàng trôi nổi
Bán hàng có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường nội thành TP. Hà Nội như Nguyễn Chí Thanh, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Văn Huyên hay cổng công viên Nghĩa Đô… thường xuyên xuất hiện những chiếc xe tải được sơn màu đỏ, trên thân in dòng chữ lớn “Phụ kiện MAX”, đi kèm các nội dung như: Mua bán, sửa chữa điện thoại; phụ kiện đồng giá... Những chiếc xe này hoạt động như một cửa hàng di động được cải tạo từ xe tải nhỏ, chuyên dừng đỗ sát lề đường hoặc vỉa hè để phục vụ việc kinh doanh.
Phần thùng xe phía sau thường được mở rộng, gắn thêm mái che, lắp bảng quảng cáo, bảng giá. Người bán tận dụng không gian sau xe để bày hàng và trực tiếp giao dịch với khách qua đường. Toàn bộ hoạt động không có biển hộ kinh doanh, không hóa đơn, không bảng niêm yết thông tin sản phẩm và không địa chỉ pháp lý rõ ràng.
Một chiếc xe bán hàng phụ kiện MAX trên đường Dương Đình Nghệ. Ảnh: Đăng Khoa |
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại đường Dương Đình Nghệ cho thấy: Chiếc xe tải màu đỏ thân xe in nổi dòng chữ “Phụ kiện MAX” thường xuyên đỗ trên tuyến đường này. Phần thùng phía sau xe đã được cắt ngang và lắp mái che bằng bạt, cửa hậu mở ra như một chiếc cửa hàng mini. Trong xe, các loại cáp sạc, củ sạc, tai nghe Bluetooth, loa mini, kính cường lực, thẻ nhớ, gậy chụp ảnh… được treo thành từng cụm theo móc, phân loại theo giá.
Sản phẩm được bày bán bên trong những chiếc xe tải mang dòng chữ Phụ kiện MAX. Ảnh: Đăng Khoa |
Tại cổng công viên Nghĩa Đô, cũng là một chiếc xe tải với kết cấu tương tự in dòng chữ “Phụ kiện MAX”, dựng sát lề đường. Khu vực trưng bày sản phẩm chiếm toàn bộ không gian phía sau xe, gắn dày đặc các cụm dây sạc, ốp điện thoại, củ sạc nhanh, tai nghe có dây lẫn không dây, hộp hàng in chữ nước ngoài, một số không rõ thương hiệu. Một số thùng nhựa dưới chân xe chứa hàng đóng gói sẵn, phục vụ thay phiên khi hết hàng.
Điều đáng nói, hầu hết các sản phẩm bày bán tại các xe “Phụ kiện MAX” đều không có nhãn phụ tiếng Việt, không tem hợp quy, không tên nhà sản xuất hay đơn vị nhập khẩu. Người mua không có hóa đơn, không phiếu bảo hành, không địa chỉ liên hệ để khiếu nại nếu xảy ra sự cố.
Thực tế trên cho thấy, hoạt động kinh doanh, buôn bán phụ kiện của những "cửa hàng di động" này dấu hiệu vi phạm quy định ghi nhãn theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt về quyền được thông tin, quyền được an toàn và quyền được khiếu nại. Với hình thức bán hàng trên xe lưu động, người tiêu dùng gần như không có cơ hội truy trách nhiệm nếu hàng lỗi, cháy nổ hay làm hỏng thiết bị.
Cơi nới trái phép, hết hạn đăng kiểm vẫn hoạt động công khai?
Quá trình ghi nhận thực tế, chúng tôi được một nhân viên bán hàng trên xe xác nhận: “Bên em có khoảng 12 xe như thế, tất cả đều gắn thương hiệu "Phụ kiện MAX". Xe hầu hết đã hết hạn đăng kiểm rồi nhưng vẫn chạy được. Xe chỉ dùng để bán hàng. Có lực lượng chức năng thì bọn em rút chạy đi chỗ khác”.
Phát ngôn của người bán được kiểm chứng từ quan sát thực tế. Phóng viên ghi nhận chiếc xe bán tải mà nhân viên này đang bán hàng đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 4/2023, tem kiểm định dán trên kính trước mờ, không còn hiệu lực. Dù vậy, xe vẫn dừng đỗ và hoạt động kinh doanh như bình thường.
Tem kiểm định trên xe đã hết hạn. Ảnh: Đăng Khoa |
Nhiều xe mang thương hiệu “Phụ kiện MAX” có biểu hiện cắt sửa kết cấu, lắp các thanh thép đỡ mái, bảng treo đèn, giá hàng tự chế, cửa sau xe biến thành gian trưng bày. Đây là dấu hiệu tự ý cải tạo kết cấu phương tiện. Hành vi vi phạm nghiêm trọng theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Từ thực tế hai chiếc xe tại cổng Công viên Nghĩa Đô và đường Dương Đình Nghệ, có thể thấy đây không phải trường hợp cá biệt. Mô hình xe bán phụ kiện lưu động mang nhãn “Phụ kiện MAX” đang phát triển theo hướng kinh doanh lách luật có tổ chức: Xe hết đăng kiểm, cải tạo trái phép, không đăng ký hộ kinh doanh, bán hàng trôi nổi và ẩn danh.
Những chiếc xe mang thương hiệu "Phụ kiện MAX" thường xuyên dừng đỗ trên các tuyến phố đông đúc, mở quầy bán hàng, bày kệ trưng bày ngay trên vỉa hè không chỉ vi phạm quy định về trật tự đô thị, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Đáng lo ngại hơn, nhiều xe đã bị cơi nới, cải tạo trái phép. Một số xe gắn tem đăng kiểm đã hết hạn từ rất lâu. Nếu những phương tiện như vậy tiếp tục hoạt động mà không được kiểm soát chặt chẽ, hậu quả để lại không chỉ là sự lộn xộn trong quản lý đô thị, mà còn là nguy cơ trực tiếp gây tai nạn giao thông, cháy nổ do thiết bị cải tạo sai kỹ thuật.
Đã đến lúc cần một đợt tổng kiểm tra toàn diện, từ phương tiện, kết cấu xe, giấy đăng kiểm, giấy phép kinh doanh, đến nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, cần rà soát trách nhiệm cá nhân, tổ chức đứng sau hệ thống xe này, không để tình trạng vi phạm kéo dài gây rối loạn trật tự đô thị và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Hầu hết các sản phẩm bày bán tại các xe “Phụ kiện MAX” đều không có nhãn phụ tiếng Việt, không tem hợp quy, không tên nhà sản xuất hay đơn vị nhập khẩu. Người mua không có hóa đơn, không phiếu bảo hành, không địa chỉ liên hệ để khiếu nại nếu xảy ra sự cố. |