Thứ hai 21/04/2025 11:43

Người dân vùng cao Hòa Bình thoát nghèo nhờ nghề may xuất khẩu

Nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) nhờ nghề may mặc xuất khẩu đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Thoát nghèo nhờ nghề may

Giữa tháng 11, phóng viên men theo tuyến Quốc lộ 6 quanh co từ TP. Hòa Bình về huyện Tân Lạc, đây là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm thành phố gần 50km, bà con chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Mường, Tày, Thái… cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Các công ty may xuất khẩu trên địa bàn huyện Tân Lạc góp phần quan trọng trong tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ khi có các công ty may xuất khẩu hoạt động trên địa bàn huyện Tân Lạc, người dân ở khắp các thôn, bản và các huyện lân cận như Lạc Sơn, Cao Phong… đã tập trung về đây làm công nhân với mức thu nhập ổn định, cuộc sống ngày một khấm khá.

Chị Bùi Thuý Nhâm, người dân tộc Mường ở xã Nhân Nghĩa (huyện Lạc Sơn) hiện là công nhân may tại Công ty TNHH FGL VN, thuộc Cụm công nghiệp khu vực Đông Lai - Thanh Hối (xã Đông Lai, huyện Tân Lạc) cho biết: "Nhà tôi thuộc hộ nghèo, trước kia chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt, năm được năm mất, thu nhập rất bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.

Nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tân Lạc đã vươn lên thoát nghèo nhờ làm nghề may mặc xuất khẩu

Chị Nhâm kể, cuối năm 2014, chị bắt đầu xin làm công nhân may tại Công ty TNHH FLG VN, thuộc bộ phận kỹ thuật, có thu nhập ổn định, chế độ đãi ngộ tốt, nhờ đó mà gia đình chị đã thoát nghèo. Mức lương hiện nay của chị được khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng.

Theo chị Nhâm, sau nhiều năm làm việc tại công ty, gia đình chị đã tích luỹ được vốn, con cái đi học đầy đủ. Đồng thời, gia đình cũng sắm được nhiều tiện ích như tivi, tủ lạnh, xe máy... Cách đây vài tháng, gia đình đã xây ngôi nhà cấp 4 trị giá hơn 300 triệu đồng.

Tương tự, anh Bùi Văn Trọng (43 tuổi, huyện Cao Phong), là công nhân may tại Công ty TNHH FGL VN chia sẻ: "Trước đây, hai vợ chồng tôi đi làm nhiều nơi ở Bắc Ninh, Hà Nội nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2014, tôi cùng vợ xin về công ty may làm việc và gắn bó từ đó đến nay, hiện tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 12 - 13 triệu đồng/tháng".

Anh Trọng bộc bạch, mức thu nhập này đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình, có của ăn của để, đảm bảo nuôi con ăn học đàng hoàng, mua sắm được nhiều đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Từ khi có công ty may về địa phương, không chỉ có vợ chồng anh mà nhiều người khác đã đổi đời, thoát nghèo. Không còn phải “tha phương cầu thực” đi đến các khu công nghiệp ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm việc.

Nghề may xuất khẩu đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức lương ổn định ở vùng cao Hòa Bình

Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tại Tập đoàn May Hồ Gươm – Chi nhánh huyện Tân Lạc (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) hiện đang có 450 công nhân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Là người làm công nhân tại đây hơn 5 năm, chị Bùi Thị Lý (33 tuổi, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc) tâm sự: “Công việc may mặc đã giúp nhiều người dân vùng cao có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống, không phải đi làm nương rẫy, đi làm ăn xa như ngày xưa. Nhất là được ở gần nhà, tiện chăm sóc cho gia đình, con cái”.

Các công ty may xuất khẩu hoạt động tại huyện Tân Lạc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Đại Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH FGL VN cho biết: “Hiện công ty đang hoạt động trong lĩnh vực may gia công áo khoác, xuất khẩu đi châu Âu với khoảng hơn 400 công nhân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số trên địa bàn”.

Theo ông Nghĩa, hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo công ty thường xuyên quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của người lao động theo quy định pháp luật, đảm bảo mức lương, thu nhập ổn định cho công nhân. Đặc biệt, Công ty luôn động viên, chăm lo đời sống cho người lao động, tặng quà cho công nhân, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết…

Đánh giá về các công ty may xuất khẩu, ông Bùi Văn Sư - Chủ tịch UBND xã Đông Lai cho biết, từ khi các nhà máy may đi vào hoạt động trên địa bàn đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động là con em địa phương, các xã, huyện lân cận với mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Qua đó, đời sống của bà con được cải thiện, nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo. Đặc biệt, “giữ chân” được nhiều lao động làm việc tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Còn ông Bùi Thế Dân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tân Lạc cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 10 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó, riêng nghề may mặc đã tạo việc làm cho hơn 1.000 người là con em dân tộc thiểu số tại địa phương.

Dần Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị

Nông sản Đắk Lắk: Từ đất đỏ bazan vươn tầm thế giới

Hương hồi Bình Liêu: Từ chợ quê lên kệ hàng thành phố

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa

Chè Shanam: Tinh hoa từ những búp chè cổ thụ Tà Xùa

Viện trưởng AIT: Du lịch phiên bản 2025 ‘Một chuyến đi – nghìn đơn hàng’

Longform | Sơn La: Cà phê Bích Thao và hành trình xây dựng thương hiệu

Cao Bằng: Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc

Thái Nguyên: Phát triển sản phẩm thế mạnh vùng dân tộc gắn với du lịch

Nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên đất đỏ Tây Nguyên

Trồng nấm đông trùng hạ thảo: Mô hình thoát nghèo của bà con vùng núi Lai Châu

Người dân xã đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện miền núi Quảng Nam: Còn nhiều tâm tư

‘Vàng xanh’ trên đỉnh non ngàn

Đưa sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số lên ‘sàn’