Dân tộc La Hủ (Mường Tè, Lai Châu) hiện còn 83,9% hộ nghèo - dẫn đầu về tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc |
Chủ trương lớn cần quyết tâm cao
Trên thực tế, nghèo đói ở nước ta phân bố không đều giữa các vùng miền và đối tượng. Chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hải đảo và bãi ngang ven biển, trong đó hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tại nhiều địa phương như huyện: Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên)… tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 50% dân số.
Mặc dù giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên, chính sách giảm nghèo lại đang bị chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Với Chỉ thị số 01/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị chung tay vì người nghèo, với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Ưu tiên người nghèo vùng đồng bào DTTS
Với tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS cao hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước (dân tộc La Hủ có tới 83,9% hộ nghèo, Mảng 79,5%, Chứt 75,3%, Ơ Đu 66,3%, Khơ Mú 59,4%…), Chỉ thị số 01/CT-TTg dành nhiều ưu tiên dành cho người nghèo vùng đồng bào DTTS, nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, gắn hoạt động tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.
Cũng tại Chỉ thị số 01/CT-TTg , Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi; áp dụng cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân; thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn.
Song song với việc đa dạng hóa nguồn vốn bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn của chương trình, không hoàn thành kế hoạch được giao thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.