Nhiều triển vọng tích cực cho ngành cà phê thế giới 2025 Nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên đất đỏ Tây Nguyên Tổng quan thị trường cà phê toàn cầu |
Ươm mầm khát vọng từ những hạt cà phê
Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi những triền đồi ngập tràn sắc xanh của cây cà phê, một câu chuyện đầy cảm hứng về nghị lực và khát vọng vươn lên đang được viết nên bởi những người phụ nữ dân tộc Thái. Không chỉ đơn thuần là những người làm nông, họ đã mạnh dạn bước qua giới hạn của chính mình, khởi tạo một hành trình mới – hành trình đưa những hạt cà phê Điện Biên vươn xa, mang theo đó là giấc mơ về sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số.
Tại bản Na Luông (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), giữa không gian thơm nồng hương cà phê, chị Tòng Thị Hoài, một trong bốn người sáng lập thương hiệu "Cà phê Chị Em", chia sẻ: "Chúng tôi sinh ra trên vùng đất trồng cà phê, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ tự tay gây dựng một thương hiệu riêng. Cà phê không chỉ là cây trồng, mà còn là cơ hội, là con đường giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, tự chủ kinh tế và dần thoát nghèo."
![]() |
Chị Tòng Thị Hoài, một trong bốn người sáng lập thương hiệu "Cà phê Chị Em" tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Ảnh: N.H |
Câu chuyện khởi nguồn từ những trăn trở về cuộc sống bấp bênh của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Trước đây, cà phê sau khi thu hoạch chủ yếu được bán thô với giá trị thấp, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Nhận thấy điều này, chị Hoài cùng ba người chị em của mình – Tòng Thị Noọng, Tòng Thị Ngoan và Lò Thị Tiên đã quyết tâm thay đổi.
Ban đầu, nhóm chị em chỉ thu mua cà phê của bà con, rồi bán lại dưới dạng nhân xanh cho các công ty ở Hà Nội. Nhưng họ hiểu rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc thu mua thô, giá trị gia tăng vẫn chưa được tạo ra. Năm 2019, bằng số vốn tích góp ít ỏi cùng với khoản vay hỗ trợ từ chương trình phát triển kinh tế địa phương, nhóm quyết định xây dựng mô hình chế biến sâu – cho ra đời thương hiệu "Cà phê Chị Em".
Hành trình ấy không hề dễ dàng với bốn chị em vốn chỉ quen với việc nương rẫy, chưa từng tiếp cận với kinh doanh, thương mại. Họ phải học từng chút một – từ kỹ thuật rang xay, đóng gói, bảo quản, đến cách thức xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường.
"Chúng tôi bắt đầu từ con số 0 – không vốn lớn, không kinh nghiệm, thậm chí chưa thông thạo cả tiếng phổ thông. Nhưng vì ước mơ, chúng tôi dám bước ra khỏi vùng an toàn, vừa làm vừa học. Học cách trồng cà phê sao cho chuẩn, cách chế biến sao cho thơm ngon, học cả cách bán hàng qua mạng, qua chợ phiên…" – chị Tòng Thị Hoài nhớ lại.
Với số vốn vay ban đầu, nhóm đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà kính để phơi sấy hạt cà phê, trang bị máy rang xay, từng bước hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh. Họ kiên trì nghiên cứu phương pháp chế biến thủ công truyền thống, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những mẻ cà phê nguyên chất, lưu giữ trọn vẹn hương vị đậm đà của núi rừng Tây Bắc. Dần dần, “Cà phê Chị Em” không chỉ là một thương hiệu, mà còn trở thành niềm tự hào của những người phụ nữ dân tộc Thái – minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên thoát nghèo.
Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, “Cà phê Chị Em” còn mang đến cơ hội việc làm và sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân tộc thiểu số tại Mường Ảng. Từ mô hình nhỏ lẻ ban đầu, nhóm đã mở rộng quy mô, trực tiếp thu mua cà phê từ bà con, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Quá trình sơ chế, chế biến cũng tạo thêm nhiều công việc cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ – những người trước đây chỉ quen với đồng ruộng và ít có cơ hội tiếp cận mô hình kinh doanh. Mỗi hạt cà phê được rang xay không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, mà còn là biểu tượng cho sự đổi thay, là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn, giúp bà con vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống bền vững.
Hiện nay, mỗi năm, “Cà phê Chị Em” chế biến khoảng 35 tấn cà phê tươi, tương đương 5-5.5 tấn thành phẩm, và đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vươn xa hơn, chị Tòng Thị Hoài cho biết vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
“Ngoài việc thu mua trực tiếp từ nông dân, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để mở rộng thị trường, giúp cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là qua các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, bán hàng online vẫn là một hành trình đầy gian nan. Chúng tôi đã thử kinh doanh trên Facebook, Zalo nhưng gặp không ít khó khăn, từ việc quảng bá sản phẩm đến cách tiếp cận khách hàng hiệu quả.” – chị Hoài chia sẻ.
![]() |
Mỗi năm, “Cà phê Chị Em” chế biến khoảng 35 tấn cà phê tươi, tương đương 5-5.5 tấn thành phẩm. Ảnh: N.H |
Chìa khóa đưa cà phê Mường Ảng vươn xa
Nhận thức được vai trò quan trọng của cây cà phê đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các cấp chính quyền đã có những định hướng chiến lược nhằm duy trì và mở rộng diện tích trồng cà phê, hướng đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 ha.
Trao đổi với Báo Công Thương, theo bà Chu Thị Thanh Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết, ngành nông nghiệp Điện Biên đã đề ra các định hướng rõ ràng, thể hiện qua các nghị quyết của Tỉnh ủy và các chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp ngành tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu an sinh và tăng thu nhập cho bà con. Chúng tôi rất kỳ vọng vào những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ cà phê. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh nhằm giúp bà con phát triển sản xuất một cách bền vững.
Trước hết, chúng tôi xác định việc phát triển phải bám sát vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Hiện nay, định hướng đang tập trung vào vùng lúa chất lượng cao 10.000 ha ở Điện Biên và Hoàng Tôn Giáo, 4.500 ha cà phê tại Mường Ảng và phát triển thêm ở Điện Biên Đông”, bà Chu Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
![]() |
Cà phê Arabica tại bản Na Luông được trồng trên đồi có độ cao từ 700 - 1.700m so với mặt nước biển. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phùng Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, thời gian qua, UBND huyện Mường Ảng cùng các đơn vị liên quan đã xác định cà phê là cây trồng mũi nhọn giúp người dân phát triển kế sinh nhai. Hiện nay, huyện Mường Ảng có hơn 3.000 ha diện tích trồng cà phê với diện tích cho thu hoạch là 2.193 ha; diện tích kiến thiết cơ bản 822 ha.
“Đối với cây cà phê, huyện Mường Ảng đặt mục tiêu đảm bảo sản lượng và chất lượng. Hiện nay, về sản lượng, diện tích cà phê kinh doanh ổn định khoảng 2.000 ha, cho năng suất 15 - 20 tấn quả tươi/ha mỗi vụ. Trong những năm gần đây, sản lượng đạt từ 15.000 đến 20.000 kg quả tươi. Với sản lượng trên đã góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn”, ông Nguyễn Phùng Thông cho hay.
Để cây cà phê phát triển bền vững, cần tiếp tục có thêm các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, Huyện Mường Ảng cũng đang triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, các hồ sơ và thủ tục cơ bản đã hoàn tất, trong thời gian tới sẽ có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng.
Trong thời gian tới, huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân nhằm tạo việc làm bền vững và nâng cao thu nhập. Đặc biệt, tập trung phát triển vùng trồng và nâng cao chất lượng cây cà phê. Theo đó, với định hướng tiếp theo, UBND sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chế biến sâu, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ dừng lại ở cà phê tươi mà còn đầu tư vào máy móc, công nghệ chế biến.
Có thể nói, cây cà phê không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là động lực giúp bà con dân tộc thiểu số ở Mường Ảng cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hành trình của “Cà phê Chị Em” là minh chứng cho tinh thần kiên cường và khát vọng vươn lên của phụ nữ dân tộc thiểu số. Với sự đồng hành của chính quyền địa phương và sự nỗ lực không ngừng của bà con, hương vị cà phê Mường Ảng không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn hứa hẹn vươn xa, trở thành niềm tự hào của vùng cao Tây Bắc.
Hiện nay diện tích cà phê Arabica tại huyện Mường Ảng là hơn 3.000ha - đây cũng là địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất tại tỉnh Điện Biên. Nhờ giá cà phê mấy năm gần đây luôn ổn định và ở mức cao nên cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho người dân. |