Thứ tư 01/01/2025 13:42

Hộp thư ngày 20/4: Hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước?

Vừa qua, Báo Công Thương điện tử nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề liên quan các lĩnh vực như: Dấu hiệu hạn chế cạnh tranh, thiếu minh bạch trong đấu thầu, “đất vàng” bỏ hoang, lãng phí tài nguyên, “hô biến” đất nông nghiệp thành dự án…

Thông tin phản ánh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (TCDT) vừa tiến hành mở thầu qua mạng Gói thầu số 5 thi công kho vật tư, nhà điều hành, bể nước ngầm 250m3, trạm bơm, điện ngoài nhà, nước ngoài nhà, sân, đường thuộc Dự án Kho dự trữ Lai Châu sử dụng ngân sách nhà nước, có giá gói thầu 12,624 tỷ đồng. Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại VHS (Nhà thầu VHS) trúng thầu với giá 12,568 tỷ đồng, tiết kiệm được 56 triệu đồng, sau đó giảm giá 0,5%.

Gói thầu số 5 do Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm chủ đầu tư bị phản ánh có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh

Tuy nhiên, gói thầu này trước đó bị một nhà thầu cho rằng hồ sơ mời thầu có một số tiêu chí không hợp lý, hạn chế cạnh tranh như: Để chứng minh uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự (3 hợp đồng) từ năm 2018 - 2021, chủ đầu tư yêu cầu hồ mời thầu của nhà thầu phải có xác nhận của các chủ đầu tư là đã hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình, bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn yêu cầu hồ sơ mời thầu của nhà thầu phải có “điều kiện” phối hợp với chủ đầu tư xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, TCDT, chủ đầu tư thì mới được đánh giá là đạt. Nhà thầu cũng không đồng tình với việc hồ sơ mời thầu yêu cầu nhân sự huy động cho gói thầu hơn 12 tỷ đồng này gồm 8 cán bộ và 10 tổ trưởng. Nhà thầu cho rằng, số lượng nhân sự như vậy là quá nhiều, vượt chi phí gián tiếp và trực tiếp của gói thầu.

Bạn đọc phản ánh: Hợp tác xã Thành Công "biến" đất nông nghiệp thành dự án Trinity Tower, trong đó có 1 phần là nhà ở, nhà trẻ kết hợp văn phòng không qua đấu giá.

Cụ thể, năm 2008, UBND TP. Hà Nội thu hồi 2.758m2 đất tại khu Gò Ba Xã (số 145 đường Hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) giao cho Hợp tác xã Thành Công thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trụ sở giao dịch của hợp tác xã. Nguồn gốc đất thu hồi bao gồm một phần nhà 1 tầng do hợp tác xã đang quản lý và diện tích còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp do phường và các hộ gia đình quản lý.

Trong số 2.758m2 giao cho Hợp tác xã Thành Công, có 1.889m2 là đất thuê trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm. 869m2 còn lại là đất mở đường, giao cho Hợp tác xã Thành Công quản lý, khi nhà nước thu hồi thì phải bàn giao vô điều kiện.

Theo đó, năm 2016, TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương cho Hợp tác xã Thành Công xây dựng toà nhà hợp tác xã Thành Công, chiều cao 14 tầng, mật độ xây dựng 46,8%. Mục tiêu nhằm xây dựng công trình dịch vụ thương mại, kết hợp văn phòng, phòng ở tập thể thay ca cho cán bộ nhân viên và khách giao dịch với hợp tác xã; không làm nhà ở cố định và căn hộ.

Năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận điều chỉnh tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc. Theo đó, chấp thuận "nâng" tầng Toà nhà Hợp tác xã Thành Công từ 14 tầng lên chiều cao tối đa 25 tầng (chưa bao gồm 3 tầng hầm và tum thang), mật độ xây dựng 49,93%. Từ dự án văn phòng không lưu trú, toà nhà này được tăng thêm 117 căn hộ.

Tháng 3/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký quyết định cho phép Hợp tác xã Thành Công chuyển mục đích sử dụng 2.758m2 đất thuê thành đất thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp đất ở để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Thông tin phản ánh: Hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cụ thể, đó là dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô xây dựng 32.973m2 tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Công trình gồm 29 tầng và 2 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái; trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật; tầng 1 bố trí khu sảnh chính, văn phòng dịch vụ, tầng 2 bố trí khu dịch vụ, phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ; từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966m2. Hiện dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm.

Dự án tháp tài chính quốc tế (IFT) tại 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Dự án có diện tích nghiên cứu quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m. Ngày 29/12/2005, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ. Thế nhưng, sau nhiều năm dự án vẫn chưa hề có dấu hiệu thi công xây dựng mà vẫn để hoang hóa.

Dự án văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy được UBND TP. Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BT. Tổng mức đầu tư hơn 4.436 tỷ đồng. Dự án bị bỏ hoang hơn 10 nhưng chưa có dấu hiệu khởi công.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư Dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh tại huyện Mê Linh. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 45% vốn. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Bạn đọc có thông tin, phản ánh, tin bài gửi về Tòa soạn Báo Công Thương điện tử tại địa chỉ: Báo Công Thương, tầng 10-11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đường dây nóng: 0866.59.4498; Email: mailto:dientu@baocongthuong.com.vn.

Thế Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục

Công nghệ Nguyễn Kim: Chỉ định thầu sản phẩm giá 67,5 triệu đồng, trên mạng rao bán 55 triệu đồng

Cửa hàng vàng Như An Diamond bán vàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hộp thư bạn đọc ngày 12/12: Phản ánh về chợ Đông Phú, siêu thị ăn vặt Mlem Mlem

Vĩnh Phúc: Nhanh chóng tiếp nhận thông tin, quyết liệt đấu tranh chống gian lận thương mại

TikToker Mr Pips “lùa gà” bằng công cụ gì?

Hộp thư bạn đọc ngày 5/12: Phản ánh liên quan đến thời trang Ben Kids, Trường Quốc tế Thăng Long

Thanh Hóa: Xác minh tố cáo dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác đá của Công ty Cao Nguyên

Bắc Giang: Giấy phép cấp một đằng, Công ty TNHH Minh Hà đổ đất một nẻo

Hà Nội: Xử phạt 6 cơ sở bán hàng nhập lậu trong Big C Thăng Long

Thanh Hóa: Chấn chỉnh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phương Anh vì thi công ẩu

Bắc Giang: Để người nước ngoài sinh sống lâu dài trong nhà ở xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

Hộp thư bạn đọc ngày 28/11: Phản ánh liên quan đến việc thu tiền trông xe trái quy định

Dự án Usilk City chậm tiến độ hơn một thập kỷ gây lãng phí

Quy định chủng loại thịt nhập khẩu: Điểm nghẽn cần tháo gỡ trong 'dòng chảy' thương mại

Cần Thơ: Vì sao nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán?

Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh chung cư Bình An Plaza

Hộp thư bạn đọc ngày 21/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung Crilin, MBC PlayBe Việt Nam

Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỷ đồng: Khách hàng cần làm gì để lấy lại tiền cho vay?

Chính quyền phản hồi về quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc sau phản ánh của Báo Công Thương

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee