Hộp thư bạn đọc ngày 5/9: Phản ánh về sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream, nhà xưởng trái phép tại Tân Triều
Công ty DĐK muốn Hà Nội giao 1.700m2 đất sạch không qua đấu giá: Bạn đọc phản ánh, khu đất có diện tích 1.711m2 tại số 169 Trung Kính, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội có nguồn gốc do Trường Cao đẳng công nghiệp Quốc phòng không có nhu cầu sử dụng nên trả lại cho Nhà nước, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.
Cuối năm 2016, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 6624/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm dạy và Thực hành công nghệ kỹ thuật DĐK, nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST và Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK, trong đó Công ty DĐK là đại diện liên danh.
Theo quy định của pháp luật, diện tích 1.711m2 tại số 169 Trung Kính nói trên đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, Công ty DĐK lại cho rằng nguồn gốc lô đất đã được đền bù giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, nên khu đất phải thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Điều này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, bạn đọc kiến nghị UBND TP. Hà Nội cần chấm dứt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và thực hành công nghệ kỹ thuật DĐK theo quy định của Luật Đầu tư; đồng thời để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thậm chí có thể gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Phó Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm của Công ty DĐK: Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, về việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK.
Theo đó, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Ngày 14/3/2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 2841/VP-KTN, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư của Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK, trong việc triển khai thực hiện Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Thông tin phản ánh: Bà N.H.C có đơn gửi về hộp thư bạn đọc Báo Công Thương phản ánh, sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream do Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam nhập khẩu và phân phối đã từng bị Cục Quản lý dược đưa ra thông báo về viêc tạm dừng lưu hành sản phẩm do có chứa chất cấm. Cụ thể ngày 3/6/2024, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 1686/QLD-MP về việc tạm ngừng lưu hành sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream, thông tin trên nhãn sản phẩm: Số lô Lot 0599; NSX: 01/03/2023; HSD: 28/02/2026; Công ty sản xuất: Denison Pharmaceuticals, LLC.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam đã thông tin trên một số cơ quan báo chí, khẳng định không còn phân phối sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream. Thế nhưng hiện tại, khi mua sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream người tiêu dùng vẫn thấy có tem nhãn phụ của sản phẩm thể hiện đơn vị phân phối của sản phẩm là Công ty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam. Chính điều đó khiến người tiêu dùng rất lo ngại về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm này và mong các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ vấn đề nêu trên.
Thông tin phản ánh: Đã từ lâu, khu vực ngõ 286, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội xuất hiện hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho bãi trái phép trên diện tích rộng hàng chục nghìn m2. Người dân cho rằng, việc các nhà xưởng trái phép này hoạt động không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiêm môi trường mà còn gây mất ổn định nguồn điện trong khu vực. Các cư dân cho biết tình trạng nhảy Aptomat đã xảy ra liên tục trong 2 - 3 tháng qua, gây hỏng hóc nhiều thiết bị điện. Người dân nghi ngờ rằng nguồn điện yếu và bất thường tại khu dân cư có thể liên quan đến các nhà xưởng hoạt động trái phép có sử dụng nguồn điện ở gần đó.
Điều đáng nói các nhà xưởng, cơ sở kinh doanh trái phép này chỉ cách UBND xã Tân Triều khoảng 500m, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại…
Nhà xưởng trái phép tại xã Tân Triều. |
Thông tin phản ánh: Chủ đầu tư Resort Lộc Vừng tại thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hàng trăm m2 đất trồng lúa sang thành đất ở. Trên diện tích đất trồng lúa, chủ đầu tư của resort đã xây dựng 3 căn biệt thự để cho khách nghỉ dưỡng thuê.
Chủ đầu tư Resort Lộc Vừng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. |
Chính quyền địa phương đã nắm được sự việc và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng hiện vẫn chưa cưỡng chế những căn biệt thự xây trái phép này.
Báo Công Thương sẽ tìm hiểu, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc nêu trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Ban Bạn đọc – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: banbandocbct@gmail.com. |