Nghệ An: Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản 'dính' vi phạm đất đai Quận Cầu Giấy, Hà Nội: Hơn 15.419m2 “đất vàng” sử dụng sai mục đích |
Xây nhà hàng trên đất nông nghiệp giao thầu
Thời gian qua, tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) có dấu hiệu phức tạp và không được xử lý triệt để. Đặc biệt, tại xã Thanh Thùy đang xảy ra tình trạng đất bị sử dụng sai mục đích trong suốt một thời gian dài và “hô biến” quỹ đất công cho thuê thầu thành tổ hợp nhà hàng kinh doanh ăn uống, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy....
Tháng 8/2021, UBND xã Thanh Thùy đã có Biên bản thanh lý hợp đồng và yêu cầu bên nhận khoán bàn giao mặt bằng, nhưng đến nay tổ hợp nhà hàng vẫn hoạt động |
Theo đó, tại thôn Rùa Thượng, xã Thanh Thùy, khu đất rộng gần 4ha được UBND xã Thanh Thùy cho thuê thầu với mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu đất này bị sử dụng sai mục đích, biến tướng thành nơi kinh doanh nhà hàng, hồ câu cá.
Theo Hợp đồng khoán sản xuất đất nông nghiệp tổng hợp (khu đầm Mỹ Hưng, thôn Rùa Thượng, xã Thanh Thùy) ngày 15/7/2019, ông Nguyễn Đức Tuế - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy đã ký hợp đồng với ông Hoàng Minh Đặng cho thuê 3,8ha thuộc quỹ đất 2 của xã quản lý để sản xuất nông nghiệp. Hợp đồng nêu rõ, ông Đặng phải sử dụng diện tích trên đúng mục đích, đồng thời UBND xã là bên giao thầu phải đôn đốc bên nhận thầu thực hiện đúng hợp đồng và quy định của pháp luật.
Biển chỉ dẫn vào khu nhà hàng lẩu cua đồng Chính Béo và hồ câu đồng quê nằm ngay đường trục phía Nam Hà Nội. |
Tuy nhiên, quá trình đưa vào sử dụng, khu đất này đã bị “biến tướng” thành tổ hợp nhà hàng, hồ câu cá. Ghi nhận hiện trạng cho thấy, nhiều công trình được dựng lên kiên cố, phục vụ mục đích kinh doanh. Ngay rìa đường trục phía Nam Hà Nội, một biển quảng cáo rất lớn, hướng dẫn vào khu nhà hàng lẩu cua đồng Chính Béo và hồ câu đồng quê. Theo phản ánh, việc “hô biến” khu đất giao thầu để sử dụng sai mục đích đã kéo dài nhiều năm qua, thế nhưng, đến nay chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, việc kinh doanh nhà hàng cần đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… Hơn nữa, vào tháng 8/2021, UBND xã Thanh Thùy đã có Biên bản thanh lý hợp đồng và yêu cầu bên nhận khoán bàn giao mặt bằng. Không hiểu vì lý do gì mà tới nay cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động?
Ngó lơ vi phạm?
Liên quan đến tổ hợp công trình vi phạm trên, trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Thế Toàn – Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thừa nhận, tổ hợp công trình nhà hàng, hồ câu hoạt động trái phép trên đất giao thầu. Trước đó, UBND xã Thanh Thùy đã chấm dứt hợp đồng vào tháng 8/2021, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bàn giao mặt bằng nhưng chủ cơ sở trên chưa thực hiện.
Thế nhưng, như đã thấy, kể từ đó đến nay đã gần 3 năm, ông Hoàng Minh Đặng không chịu bàn giao mặt bằng và sử dụng trái phép 3,8ha đất công. Điều lạ là chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, yêu cầu trả lại mặt bằng dẫn đến hàng loạt công trình vi phạm vẫn bành trướng và hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra.
Ông Toàn cũng thừa nhận, mặc dù kinh doanh dịch vụ nhà hàng nhưng cơ sở này từ trước đến nay không hề có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay phòng cháy chữa cháy. “Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện cũng từng xuống xã kiểm tra, nhưng lại chưa kiểm tra cơ sở này”, ông Toàn nói.
UBND xã Thanh Thùy cho thuê 3,8ha thuộc quỹ đất 2 của xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nhưng sau đó biến thành hồ câu, nhà hàng ăn uống |
Ông Toàn cho biết, kể từ khi chấm dứt hợp đồng vào tháng 8/2021, chính quyền xã Thanh Thùy đã không thu thuế của bên nhận thầu. “Đồng chí kế toán không thu. Chủ cơ sở có nguyện vọng tự nguyện nộp, nên xã đang xin ý kiến từ Phòng Tài chính của huyện để tìm hướng giải quyết”, ông Toàn giải thích.
Vị Chủ tịch xã cũng cho hay, sáng ngày 7/5/2024, UBND xã đã làm việc với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện và Phòng Tài nguyên môi trường, khi đoàn liên ngành đến kiểm tra và lập hồ sơ liên quan trong suốt quá trình vi phạm. Đồng thời, yêu cầu xã tiếp tục ban hành thông báo yêu cầu cơ sở vi phạm phải tháo dỡ công trình.
“Do thẩm quyền của xã còn hạn chế, nên cần có các bước phối hợp với huyện để giải quyết. Trong trường hợp cơ sở vi phạm cố tình không thực hiện, thì phải đưa ra quyết định cưỡng chế công trình đấy”, ông Toàn khẳng định.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội vào cuộc xác minh, xử lý dứt điểm vi phạm nêu trên và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm (nếu có).