Thứ tư 04/12/2024 00:12

Gia Lai: Cuộc sống mới của làng “chạy lũ” Kon Bông

Từ khi ra khu tái định cư mới, người dân làng Kon Bông (Gia Lai) không còn cảnh phải “chạy lũ” mỗi mùa mưa về, yên tâm lo làm ăn, ổn định trong ngôi nhà mới.

Làng “chạy lũ”

Làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) có 140 hộ với hơn 500 khẩu, 99% người dân trong làng là người dân tộc Ba Na. Làng nằm trên quả đồi cao, với những ngôi nhà sàn ngay hàng, thẳng lối hai bên sườn đồi. Chính giữa là đường bê tông thẳng tắp dẫn đến ngôi nhà rông sừng sững nằm ở nơi cao và thoáng đãng nhất, cùng với đó là hệ thống điện an toàn và ổn định.

Làng Kon Bông ở thời điểm hiện tại

Nhìn khung cảnh yên bình hiện tại, ít ai nghĩ đến cái tên làng “chạy lũ”. Nhưng Kon Bông đã từng là làng “chạy lũ”.

Trước đây, các hộ dân của làng Kon Bông sống chủ yếu dọc bên sông Krông Pa (thượng nguồn sông Ba). Mỗi năm, vào mùa mưa, cảnh lũ tràn, phá hoại tài sản vật nuôi lại xuất hiện. Vì vậy, cứ đến độ đến tháng 9, tháng 10, người dân làng Kon Bông lại dắt díu nhau chạy tránh lũ. Hành trình chạy lũ gắn chặt với ngôi làng này từ năm này qua năm nọ. Cái tên làng “chạy lũ” từ đó mà ra.

Tháng 10/2020, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 (cơn bão mạnh nhất năm 2020) gây mưa lũ khiến nhà của 73 hộ dân và điểm trường làng Kon Bông bị ngập sâu, có nơi trên 2m. Cơn lũ đi qua không chỉ cuốn đi các thiết bị gia dụng, tài sản, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân làng.

Trước thực tế đó, chính quyền tỉnh Gia Lai đã có chủ trương di dời người dân đến nơi tái định cư mới. Tháng 7/2021, dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai tai làng Kon Bông được triển khai với tổng kinh phí hơn 20,4 tỷ đồng, thực hiện di dời và bố trí người dân tái định cư lên vị trí quy hoạch làng mới tại khu đất rộng gần 5ha trên triền đồi cao bênh cạnh làng cũ. Nhiều hạng mục được triển khai đồng bộ, gồm đầu tư hệ thống cấp nước, xây dựng mới hệ thống điện gồm 01 TBA 50kVA và đường dây hạ thế 1,2km, xây dựng nhà rông văn hóa, cải tạo, sửa chữa trường mẫu giáo…

Dõi ánh mắt xa xăm về vị trí đoạn suối ngày trước là nơi cất nhà của một nửa số hộ dân trong làng, già làng của làng - già Đinh Văn Thiêng, kể lại: “Ngày ấy cứ đến mùa mưa bão là làng lại bị ngập, có năm mưa nhiều lũ về nhiều hộ bị ngập sâu gần nửa nhà sàn, bà con lại dọn dẹp đồ đạc đi tránh lũ, khổ lắm”.

Từng bước giảm nghèo và thoát nghèo bền vững

Trải qua nhiều năm tháng nơm nớp lo sợ ngập lụt, giờ dây dân làng Kon Bông đã ổn định trong ngôi nhà mới, cuộc sống đã dần đổi thay, hệ thống điện sinh hoạt đã cấp đến từng nhà, từng ngôi làng tái định cư an toàn, ổn định, tạo đà thuận lợi để chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tăng gia sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống và từng bước giảm nghèo và thoát nghèo bền vững trong thời gian đến. Công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả hợp lý cũng được Điện lực đặt lên hàng đầu đối với những làng mới tái định cư.

Công nhân Điện lực Kbang thi công chuyển hệ thống điện khu tái định cư Kon Bông

Ông Đinh Văn Nao - Bí thư xã Đak Rong chia sẻ: “Không có điện thì rất khó khăn để triển khai công tác chỉ đạo thực hiện công việc nhất là thực hiện công việc giãn dân, xây dựng, dời dân lên làng tái định cư mới. Nhưng nhờ có sự quan tâm của Điện lực Kbang đã xử lý, đóng điện kịp thời đảm bảo cấp điện an toàn góp phần ổn định cuộc sống ban đầu ở ngôi làng tái định cư nơi đây”.

Già làng Đinh Văn Thiêng cho biết, ông rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm di dời nhà ở đến nơi an toàn hơn. Nơi ở mới đã có điện, nước sinh hoạt cùng những điều kiện sống tốt hơn, bà con ai nấy đều phấn khởi, cảm thấy an toàn hơn ở nơi tái định cư. “Từ nay, dân làng yên tâm rồi, không sợ lũ lụt, thiên tai nữa và chăm lo làm ăn. Tôi cũng như nhiều bà con sẽ làm hàng rào, trồng cây xanh cho làng thêm xanh-sạch-đẹp”, già Thiêng chia sẻ.

Hồi tháng 8/2023, Điện lực Kbang đã tham gia cùng với các ban ngành của huyện đã tổ chức kiểm tra xác nhận hết nghĩa vụ bảo hành gói thầu xây lắp số 03, 06 thuộc dự án Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xã Đak Rong. Kết quả kiểm tra dự án được đánh giá đạt về chất lượng theo thiết kế, cũng như tiến độ thực hiện.

Trải qua bao thăng trầm với hành trình di dời tránh lũ, làng Kon Bông giờ đây đã bắt đầu nảy mầm sự sống, làng “chạy lũ” chắc chắn sẽ chỉ còn trong kí ức và mờ nhạt dần, thay vào đó sẽ là những hình ảnh tốt đẹp về cuộc sống ngày một ấm no hơn của người dân làng Kon Bông.

Bình An
Bài viết cùng chủ đề: giảm nghèo bền vững

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Tuyên Quang: Đẩy mạnh kết nối cung- cầu hàng hóa nông sản với các địa phương

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số