Anh Nguyễn Văn Dũng chăm sóc đàn gà chuẩn bị cho vụ Tết Mậu Tuất 2018 |
Chúng tôi về huyện Yên Thế vào những ngày cuối năm. Bất chấp cái rét ngọt len lỏi qua từng lớp áo, câu chuyện với các hộ nuôi gà cứ mỗi lúc một rôm rả. Con gà không rõ từ khi nào đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Yên Thế, nhờ nuôi gà, nhiều hộ dân ở đây không chỉ mua xe, mua nhà mà còn có “của ăn của để”.
Tiếp chúng tôi bên hiên nhà, giữa vườn vải xanh mướt, anh Nguyễn Xuân Hiếu (thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm) cho biết, hơn chục năm trước nhà anh đã nuôi gà, ban đầu chỉ vài chục con, nay đàn gà đã lên đến cả nghìn con. Lứa nọ gối lứa kia, mỗi năm gia đình anh cũng bán ra cả vài nghìn con gà. Sau nhiều năm nuôi gà, nay vợ chồng anh Hiếu khá tự tin với việc chăm sóc, phòng bệnh và cách thức cho ăn để làm sao gà đạt trọng lượng và chất lượng như mong muốn.
Dẫn tôi ra đồi vải, nơi có hàng nghìn con gà đang chạy nhảy, đào bới, đậu rải rác trên các cành cây, anh Hiếu chia sẻ: Năm 2016 giá gà vẫn trồi sụt liên tục, nên vừa nuôi vừa lo. Năm 2017, tình trạng này giảm đi trông thấy giá gà không xuống quá thấp, trung bình cũng được 50.000 đồng/ kg. Có được kết quả này, theo anh Dũng, đó là nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, từ tỉnh đến huyện, đến các hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể. “Thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, các hộ có số lượng gà lớn đều được cán bộ hướng dẫn cách phòng bệnh, xử lý khi gà bị bệnh. Gà đến ngày xuất bán, ngoài thương lái các nơi về mua, chúng tôi còn có thể tiêu thụ thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế…”.
Không chỉ riêng anh Hiếu phấn khởi, tại nhà anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm), chúng tôi cũng vui lây khi nhìn đàn gà cả nghìn con, con nào con nấy lông mượt, thịt chắc, chạy nhảy khắp đồi vải. Anh Dũng cho biết: Gia đình anh là một thành viên của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ gà đồi Yên Thế, anh tham gia nuôi gà theo quy trình VietGap đã 5 năm nay. Với quy trình này, con giống, thú y rất được các cơ quan chức năng quan tâm. “Nhà có vườn đồi, nên việc chăn thả gà khá thuận lợi. Tháng nào gia đình tôi cũng có khoảng 1.000 con gà xuất bán. Thương lái từ các nơi như Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… về Yên Thế mua gà khá nhiều nên 2 năm nay, tôi không còn phải lo lắng về đầu ra”.
Tuy nhiên, theo anh Dũng, để đảm bảo gà nuôi được khỏe mạnh, người nuôi không được vào đàn quá đông, quá dày, như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Bởi lẽ, để hạn chế dịch bệnh, cứ cách chục ngày phải khử trùng chuồng trại bằng cách phun thuốc khử trùng, vãi vôi bột. Người nuôi nào chủ quan, bỏ qua các khâu này, hậu quả sẽ rất khó lường.
Giống như anh Hiếu, anh Dũng cũng cương quyết khẳng định sẽ tuân thủ quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn để có được những lứa gà chất lượng nhất. “Có dịp gà được giá, gà chưa đến tháng xuất chuồng, thương lái đã đến hỏi mua. Chúng tôi nhất định không bán dù được trả giá hấp dẫn, bởi bán non như vậy, gà chưa đủ thơm ngon, sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” mà chính quyền và nhân dân đã dày công xây dựng” – anh Dũng khẳng định.
Có trò chuyện mới biết, mỗi câu chuyện của những người nuôi gà đều chất chứa biết bao vui buồn. Từ chỗ loay hoay chọn giống tốt, xây dựng thương hiệu cho “Gà đồi Yên Thế”, đến tìm đầu ra ổn định và được giá. Đáng mừng là, mấy năm gần đây, trong suốt quá trình chăn nuôi – tiêu thụ, người nuôi gà Yên Thế đều nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng thành công thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã giúp uy tín của sản phẩm được nâng lên, được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế đã được xem là đặc sản của nhiều thị trường, nhà hàng, khách sạn trong nhiều tỉnh, thành phố.
Đón Tết Mậu Tuất năm nay, huyện Yên Thế dự tính cung cấp ra thị trường từ 2,2 – 2,5 triệu con gà chất lượng cao, chủ yếu là gà từ 4 - 5 tháng tuổi, trong đó tỷ lệ gà ri lai chiếm 40 - 45%. Tin rằng, với trách nhiệm và ý thức của người nuôi gà đang ngày một nâng cao, sản phẩm gà đồi Yên Thế sẽ là lựa chọn cho nhiều chị em nội trợ khi chuẩn bị mâm cỗ đón tết.