Thứ sáu 22/11/2024 09:34

Bán hàng trực tuyến: Tăng sức mua, mở rộng thị trường cho nông sản địa phương

Bán hàng trực tuyến giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” để giới trẻ khởi nghiệp

“Mảnh đất màu mỡ” để giới trẻ khởi nghiệp

Cô Nguyễn Thị Tường Thảo (TikToker kênh Thảo Mola) đến từ tỉnh Lâm Đồng, nhờ bán hàng nông sản trên nền tảng TikTok, có tháng cô đã mang về doanh thu 1,2 tỷ đồng cho Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến

Thông tin được cô chia sẻ tại Hội nghị online với chủ đề: "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức sáng 6/7.

Đây là con số đáng mơ ước với rất nhiều hợp tác xã nông sản. Theo Nguyễn Thị Tường Thảo, nhận thấy sức mạnh của trang mạng xã hội chuyên về các video ngắn như Tiktok, cô nảy ra ý tưởng bán lẻ nông sản trên TikTok, trong đó có nhiều loại nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi địa phương.

Cô tự tạo kênh Tiktok “Món lạ vườn nhà”, tự quay, dựng và up video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ mà Hợp tác xã Vườn nhà Đà Lạt đang có. Ý tưởng bán hàng nông sản trên nền tảng mạng xã hội ban đầu cũng chưa được chấp nhận nhưng sau gần 1 tháng triển khai thì đã mang lại hiệu quả vượt trội.

Không chỉ Thảo Mola mà còn có rất nhiều các bạn trẻ khác cũng tham gia khởi nghiệp, quảng bá nông sản địa phương trên nền tảng mạng xã hội khác như Chảo Thị Yến, Diệu Linh, Nông Cẩm Quỳnh…

Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh (dân tộc Nùng) chia sẻ: Sau 1 thời gian học tập, làm việc ở Hà Nội, tôi quyết định về quê ở Tuyên Quang lập nghiệp bán sản phẩm nông sản bán online. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, chị đã bán 15 sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang, trong đó có nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như sắn dây, măng nứa, mơ, chè đậu đen, thịt, lạp xưởng...

“Tôi bán hàng trên Tiktok từ năm 2019 và mặt hàng tôi bán đầu tiên đó là sâm đất. Tôi đã bán được 100 tấn sâm đất trong 1 tháng. Hay trong 1 tháng tôi cũng bán được hơn 3 tấn mơ. Khách hàng trong miền Nam họ rất thích quả mơ. Để tăng tương tác, thu hút khách hàng, tôi đã làm rất video cho người xem để họ thấy thích, thấy ấn tượng, tạo thành các trend về nông sản”, Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ về hiệu quả của việc quảng bá, kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số trên nền tảng số, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop Việt Nam cho hay, việc livestream bán vải thiều ở Bắc Giang đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi các TikToker đã đến tận nơi quay video, sản phẩm rõ nguồn gốc, chân thực. Do đó câu chuyện sẽ đi nhanh hơn, tiếp cận sâu rộng hơn.

Có thể thấy, sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam - nhận định, việc ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch đã mang lại kết quả vô cùng to lớn. Dù việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng khó khăn và rủi ro, nhưng các bạn khởi nghiệp đã vân dụng khá tốt các nền tảng xã hội, thương mại điện tử.

“Khởi nghiệp, khi sử dụng nền tảng xã hội, truyền thông trên mạng, thương mại điện tử thì rất nhanh và rất dễ, không quá tốn kém, nhưng để thành công được đòi hỏi gốc rễ của sự hiểu biết, cũng như xây dựng sản phẩm, phương án phải rất chỉn chu”, bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ.

Vẫn còn những khó khăn nhất định

“Ấn tượng của tôi là các hợp tác xã, chủ hộ, chủ trang trại có sản phẩm đặc thù riêng biệt đã ăn nhập với thị trường rất nhanh. Ví dụ một số thanh niên dân tộc thiểu số trên trên Bắc Kạn đã nhờ mạng kết nối được với thị trường, đưa nông sản từ miền núi về với đồng bằng và tiêu thụ rất tốt”, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định và cho biết, thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Thanh niên Bắc Giang tham gia livestream bán vải thiều

Các bạn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ mới tập trung 3 vấn đề: sử dụng phầm mềm; bán được hàng và thu hút nhiều người xem. Theo ông Hoàng Trọng Thủy, trong quá trình bán hàng còn hạn chế, nhất là trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.

Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế.

Bán hàng qua các nền tảng xã hội có ưu thế nhưng theo Nguyễn Thị Tường Thảo cũng có một số hạn chế, khó khăn về khâu vận chuyển, đóng gói. Tháng đầu tiên chốt hơn 1.000 đơn hàng thì hợp tác xã gần như "vỡ trận" vì khách hàng mỗi người mua vài kg, khâu đóng gói lẻ tẻ như vậy mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển cũng nhiều bất lợi vì có những đơn hàng ở xa, nửa tháng mới tới nơi trong khi hàng nông sản dễ hư hao, khó bảo quản.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ: Quá trình vận chuyển đang là một trong những khâu làm hư hao nông sản, chiếm chi phí cao trong giá thành sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Đơn cử như sầu riêng khi hái từ cây xuống trước 1 - 2 ngày để cho chín đều thì đã hao 15 - 20% trọng lượng.

Chuyển ra đến Hà Nội bán đến tay người tiêu dùng thì hư hao thêm 10 - 15% nữa. Đây là một trong những chi phí không dễ gì người tiêu dùng có thể hiểu và biết được. Vì sao giá sầu riêng ở vườn 70.000 đồng, bán lẻ lại đến 200.000 đồng.

Các TikToker cần truyền thông, nhấn mạnh vào chi phí tác động đến giá thành, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng biết. Thêm nữa, trong quá trình đóng gói sản phẩm cần TikToker cần “phô” hết ra các khoản chi phí thì tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chấp nhận và thông cảm. Đồng thời, sự cạnh tranh khác sẽ giảm thiểu.

So với Trung Quốc thì chúng ta có thị trường nhỏ, logistics chưa phát triển mạnh. Nếu như các TikTok Shop ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các TikToker bán hàng thì có thể chia sẻ và hỗ trợ cộng đồng, các hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi số cho các hợp tác xã.

“Nếu TikTok Shop quan tâm đến việc mỗi tỉnh thí điểm cho một hợp tác xã thì sẽ đi đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, khi hỗ trợ một đơn vị dịch vụ như vậy thì việc sơ chế, đóng gói sẽ chuyên nghiệp hơn. Một hợp tác xã dịch vụ cấp huyện hoàn toàn có thể là đầu mối logistics, bán hàng”, bà Nguyễn Thị Thành Thực gợi ý.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Sơn La dành nguồn lực lớn cho chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc