Thứ sáu 03/01/2025 10:20

Xuất khẩu dệt may liệu có “cửa” phục hồi?

Tháng 4/2024, xuất khẩu dệt may tăng 2,8%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng cùng với tình hình thị trường khởi sắc cho thấy ngành có “cửa” phục hồi.

Tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. “Tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp nối đà tăng, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kể từ tháng 12/2023”, Tập đoàn Dệt may thông tin.

Trong tháng 4/2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ đạt 1,16 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, đi Nhật Bản đạt 319 triệu USD tăng 9,6% so với cùng kỳ, đi Hàn Quốc đạt 262 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên xuất khẩu đi thị trường EU và Trung Quốc giảm trong tháng 4 với con số lần lượt là 339 triệu USD, giảm 2,64%; 253 triệu USD, giảm 3,6% so cùng kỳ.

Dù vậy, lũy kế 4 tháng năm 2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,58 tỷ USD, tăng 6,3%; EU đạt 1,2 tỷ USD tăng 1,5%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD tăng 10%; Hàn Quốc đạt 1,22 tỷ USD tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,07 tỷ USD tăng 13,1%.

Xuất khẩu dệt may có “cửa” phục hồi?

Nhìn sang các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may với Việt Nam có sự biến động trái chiều. Trong đó, Trung Quốc, tháng 3/2024 là tháng kim ngạch xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2023, lũy kế quý 3 tháng đạt 65,9 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ.

Bangladesh, tháng 4/2024 là tháng đầu tiên trong năm xuất khẩu dệt may Bangladesh suy giảm, đạt 3,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ, riêng hàng may mặc đạt 3,29 tỷ USD giảm 1%. Lũy kế 4 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh đạt 18,1 tỷ USD tăng 9,2% so với cùng kỳ, hàng may mặc đạt 17,1 tỷ USD tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Cơ hội cho dệt may tăng trưởng xuất khẩu

Kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy ngành dệt may đã từng bước “hồi sức” sau năm 2023 vô cùng khó khăn. Đáng mừng hơn, các dự báo kinh tế vĩ mô, nhất là tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành đều đưa ra những “điểm sáng”, cũng là cơ hội cho ngành phát triển mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm.

Cụ thể, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, trong đó các nền kinh tế phát triển sẽ quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết khả năng phục hồi kinh tế bất ngờ, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất đáng kể nhằm khôi phục sự ổn định về giá, cũng phản ánh khả năng các hộ gia đình ở các nền kinh tế tiên tiến lớn có thể rút ra khoản tiết kiệm đáng kể tích lũy trong thời kỳ đại dịch. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương được đánh giá là tăng trưởng khiêm tốn ở mức 4,5% (tăng 0,3% điểm phần trăm so với dự báo tháng 10 năm ngoái) và vẫn là khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu. Trong các quốc gia khối châu Á, IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 5,8% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025.

Tại những thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam, bức tranh kinh tế được đánh giá có khởi sắc với nhiều yếu tố thuận. Tại Mỹ, tăng trưởng GDP Mỹ được dự đoán sẽ cao hơn vào năm 2024 ở mức 2,7% (cao hơn 0,6% so với dự báo tháng 1/2024 của IMF). Lạm phát tháng 3/2024 tại Mỹ ở mức 3,5%, cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 3,8% trung bình hàng năm của Mỹ.

EU, GDP quý I/2024 tăng 0,3%, đây là quý tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022 và quý đầu tiên sau 2 quý liên tiếp không tăng trưởng. Lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 4/2024 ở mức 2,4%. Dữ liệu tăng trưởng và lạm phát mới nhất đã củng cố niềm tin về lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào giữa năm 2024.

Tăng trưởng ở Nhật Bản cũng được dự báo sẽ phục hồi ổn định, với nhu cầu trong nước được củng cố bởi mức tăng lương thực tế mạnh hơn, tiếp tục chính sách tiền tệ hỗ trợ và cắt giảm thuế tạm thời. GDP dự kiến sẽ tăng 0,5% vào năm 2024 và 1,1% vào năm 2025.

Còn tại Việt Nam, nền kinh tế có tín hiệu phục hồi theo xu hướng thế giới với kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 123,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Dù vậy, chia sẻ tại hội thảo liên quan đến công nghệ gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn bày tỏ sự lo lắng bởi hiện trạng khởi sắc của ngành chưa thực sự "chắc", vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến phức tạp của thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, các nhãn hàng luôn đòi hỏi về sản xuất xanh. Ví dụ, với vải đòi hỏi thuốc nhuộm không gây hại cho người tiêu dùng, đảm bảo môi trường, xử lý nước thải. “Nếu không tuân thủ, doanh nghiệp trong nước sẽ không thể xuất khẩu được sản phẩm”, bà Mai cho hay.

Bà Mai nhận định, giải pháp cho những thách thức trên bên cạnh việc buộc phải tuân thủ quy định về sinh thái, tiêu chuẩn xanh của các nhãn hàng và quốc gia nhập khẩu, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số trong sản xuất. “Phương thức chuyển đổi đi dần từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa, tiến dần tới sản xuất thông minh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hàng hóa”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc bám sát diễn biến thị trường thế giới để có điều chỉnh khách hàng, điều đơn hàng là cần thiết. Cùng đó là tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tệp khách hàng, phân tán rủi ro có thể gặp phải.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu dệt may