Thứ hai 23/12/2024 10:50

Thị trường gia vị, hương liệu: Nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Chính phủ Việt Nam- Ấn Độ đã và đang nỗ lực tổ chức các hoạt động kết nối nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác, khai thác cơ hội xuất khẩu mặt hàng gia vị, hương liệu sang thị trường của nhau và ra thị trường thế giới.

Tại Hội nghị Giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam - Ấn Độ 2022, diễn ra ngày 23/2, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam và Ấn Độ đang là đối tác thương mại quan trọng của nhau và gia vị, hương liệu được coi là lĩnh vực nhiều tiềm năng cho xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Sau khi đạt mức tăng trưởng và giá trị xuất nhập khẩu cao vào năm 2018, xuất nhập khẩu trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Ấn Độ có chiều hướng đi xuống. “Tôi tin rằng, với nỗ lực của hai bên trong tìm hiểu nhu cầu thị trường, gắn kết doanh nghiệp, triển khai các hoạt động hỗ trợ sẽ sớm lấy lại giá trị xuất nhập khẩu cao trong thời gian tới”, ông Pranay Verma kỳ vọng.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bày tỏ: Thông qua sự kiện, doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tìm hiểu sâu hơn về tình hình thị trường, khả năng hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành gia vị, hương liệu hai nước. Ông cũng đồng thời cho hay: Nhiều loại gia vị của Việt Nam và Ấn Độ có chất lượng cao, đa công dụng đối với sức khỏe, góp phần quan trọng tạo nên hương vị cho món ăn và làm nên giá trị đặc sắc, khác biệt của nền ẩm thực hai nước so với thế giới.

Nhu cầu gia vị, hương liệu thế giới tăng là cơ hội hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ hợp tác khai thác

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tốt cho các mặt hàng gia vị của Việt Nam và Ấn Độ. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển thêm những sản phẩm gia vị phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm gia vị, hương liệu, cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực này. Để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp Việt, đẩy mạnh xuất khẩu, ông Pranay Verma, khuyến cáo: Việc tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới buộc Việt Nam phải theo kịp các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, do vậy muốn tham gia thị trường Việt Nam hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp Ấn Độ cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

“Uỷ ban Gia vị Ấn Độ có nguồn tài nguyên thông tin và nền tảng diễn đàn hữu ích, chúng tôi mong doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tiếp cận thị trường và khai thác tiềm năng giao thương với doanh nghiệp Ấn Độ”, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết thêm.

Được biết, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực gia vị, hương liệu. Theo thông tin từ Uỷ ban Gia vị Ấn Độ: Việt Nam hiện chiếm khoảng 8% sản lượng, 7% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Ấn Độ vào Asean, sản phẩm chính là ớt, thì là, dầu gia vị và tiêu… Hiện có hơn 60 doanh nghiệp Ấn Độ đang xuất khẩu gia vị và sản phẩm từ gia vị sang Việt Nam, tổng kim ngạch khoảng 36 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022 Việt Nam xuất khẩu hơn 4,44 triệu USD mặt hàng hạt tiêu sang thị trường Ấn Độ, tăng đáng kể so với con số 2,276 cùng kỳ năm trước. Với mặt hàng gia vị xuất khẩu chủ lực này, bà Hoàng Thị Liên- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thông tin: Do thời tiết không thuận lợi, năm 2022 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 446.000 tấn khối, giảm hơn với năm 2021. Trong khi nhu cầu thế giới tăng 1-3% trong những năm gần đây dẫn tới giá thành sản phẩm có thể sẽ tăng. Do vậy, doanh nghiệp hai nước cần tham khảo thông tin để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với lợi thế về sự đa dạng, bù trừ, sản lượng lớn, doanh nghiệp Việt Nam- Ấn Độ có nhiều cơ hội hợp tác nhằm gia tăng xuất khẩu mặt hàng gia vị, hương liệu sang thị trường của nhau và ra thị trường thế giới.

Việt Nga

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển tại chuỗi triển lãm IGHE và IBTE 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 900 gian hàng tham dự Triển lãm quốc tế Vietbuild Home

Mekong Connect 2024: Hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

‘Kéo’ nhà mua hàng quốc tế đến Việt Nam để quảng bá rau, quả

Khai mạc Tuần hàng nông sản, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại Hải Phòng

Khai mạc triển lãm quốc tế chuyên ngành thiết bị làm bánh tại Việt Nam

Khai mạc Tuần lễ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm

Quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Vĩnh Phúc

Hà Nội: Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì

Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU

Xúc tiến, quảng bá nông sản Yên Bái tại Hà Nội

Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là xu hướng mà trở thành điều kiện tiên quyết

Khai mạc Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024

Chủ tịch chuỗi gần 150 siêu thị thực phẩm Nhật Bản đến Đà Nẵng tìm nguồn hàng

Sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hút khách châu Âu

Vietnam Grand Sale 2024: Tạo đột phá kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế dịp cuối năm

Khai mạc Lễ phát động Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2024