Thêm cơ hội xuất khẩu bền vững thanh long sang thị trường EU
Những năm gần đây, diện tích thanh long tại Việt Nam mở rộng rất nhanh, đạt khoảng 50.000-60.000 ha. Đầu ra của trái thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rất dễ xảy ra tình trạng không tiêu thụ được khi có sự cố phát sinh. Đó là chia sẻ của ông Peter Prins - Điều phối viên dự án, tại hội thảo trực tuyến giới thiệu dự án do Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng là thành viên của Tập đoàn kiểm nghiệm đa quốc gia Eurofins Scientific tổ chức gần đây. Ông Peter Prins cũng cho biết: Một phần mục tiêu của dự án là nhằm tháo gỡ khó khăn này và mở rộng khả năng xuất khẩu sang thị trường EU cho trái thanh long tại Việt Nam.
Dự án còn nhằm mục tiêu giúp nông dân canh tác đúng, tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nhập khẩu EU; kết nối cơ hội kinh doanh giữa nhà nhà nhập khẩu Hà Lan và nhà sản xuất các loại trái cây nhiệt đới tại Việt Nam.
Dự án “Nâng cao chất lượng cây ăn quả nhiệt đới Việt Nam” giúp thanh long Việt Nam có cơ hội xuất khẩu bền vững sang EU |
Dự án không chủ ý thay đổi quá nhiều thói quen canh tác mà đưa ra các công cụ, giải pháp, công nghệ tưới tiêu giúp người nông dân có vụ mùa hiệu quả hơn. Đặc biệt, dự án sẽ giới thiệu và áp dụng công nghệ kiểm tra chất lượng đất trồng thanh long của Eurofins tại Hà Lan. Trong dự án sẽ có hoạt động thử nghiệm trên đồng ruộng về các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bón phân theo khuyến nghị và quy trình của dự án. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi để lan toả tới nhiều nhà sản xuất khác.
“Trong quá trình khảo sát tại Việt Nam, đội dự án nhận thấy, nếu quá trình canh tác của người nông dân được hỗ trợ thêm về thông tin, ứng dụng khoa học và công nghệ và đặc biệt là có thêm sự giúp đỡ từ các chuyên gia phía Hà Lan sẽ góp phần nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính như EU”, ông Peter Prins chia sẻ.
Từ kinh nghiệm nhiều năm, tìm kiếm và phát triển nguồn trái cây đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam cung ứng cho các chuỗi bán lẻ tại EU và Anh, ông Jonh Dufill - CEO John Crop Development Vietnam - cho hay: Kiểm soát đúng và đủ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là yếu tố rất quan trọng để trái thanh long được chấp nhận tại thị trường EU. Nhà xuất khẩu nên có danh sách thuốc BVTV được phép, không được phép dùng và yêu cầu về dư lượng riêng của mỗi nhà nhập khẩu để cung cấp và thoả thuận với người trồng.
Đồng thời, liên tục giám sát các chất BVTV được sử dụng và khoảng thời gian thu hoạch để đảm bảo dư lượng không vượt ngưỡng. “Sự thay đổi trong quá trình canh tác cần được trao đổi với đối tác để nắm bắt thông tin và thoả thuận, không tự tiện thay đổi hoạt chất trong quá trình canh tác”, ông Jonh Dufill nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vương Quang Huy - Quản lý kỹ thuật, Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng - cho biết: Kiểm soát dư lượng thuốc BVTV tại EU là một trong những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới, danh mục kiểm soát khác với các thị trường khác, kết hợp với tiêu chuẩn riêng từ nhà nhập khẩu là những thách thức lớn. Riêng đối với trái thanh long, quy định EC No396/2002 yêu cầu kiểm nghiệm tối thiểu 510 hoạt chất, trong đó có 332 hoạt chất đang sử dụng ngưỡng MRL (dư lượng tối đa cho phép) ở dạng mặc định là 0.01mg/kg. Trong đó, có 3 nhóm hoạt chất được tăng cường quan tâm, kiểm soát và đặc biệt quan tâm là Dithiocarbamate, Phenthoate, Quinalphos.
Dù có rất nhiều thách thức nhưng theo ông Jonh Dufill, thị trường EU không chỉ Hà Lan mà các nước thuộc Tây Âu, Đông Âu cũng có tiềm năng xuất khẩu lớn cho trái thanh long của Việt Nam. So với nhiều thị trường, EU đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao. Đại đa số khách hàng yêu cầu đáp ứng Global GAP, CSR, yêu cầu về kiểm nghiệm, chứng thư y tế... Tuy nhiên, hàng rào tiêu chuẩn tại EU không phải để ngăn khả năng tăng xuất khẩu của thanh long cũng như nông sản Việt Nam mà mở ra cơ hội cùng phát triển, xuất khẩu bền vững khi các nhà sản xuất tại Việt Nam đáp ứng đúng yêu cầu. Do vậy, ông Jonh Dufill cho rằng: Có 3 điểm nhà sản xuất thanh long Việt Nam cần chú ý, trong đó, phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, điểm chính là kiểm soát dư lượng thuốc BVTV; ổn định chất lượng sản phẩm; có chương trình cung ứng đáng tin cậy, không bị ngưng khi đã ký thoả thuận cung ứng dài hạn.
Dự án “Nâng cao chất lượng cây ăn quả nhiệt đới Việt Nam” triển khai đến tháng 3/2024, hỗ trợ cho 4 tỉnh của Việt Nam gồm Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp nâng cao chất lượng 3 loại trái cây thanh long, xoài, bưởi da xanh để có thể xuất khẩu sang thị trường EU. |