Thứ sáu 22/11/2024 18:13

Thanh Hóa: Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện 90 triệu USD còn gia hạn đến bao giờ ?

Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện 90 triệu USD sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, xin gia hạn, mới đây chủ đầu tư lại tiếp tục xin gia hạn.

Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ năm 2004, qua nhiều lần điều chỉnh chủ trương, thời gian hoàn thành xây dựng dự án, đến nay vẫn “án binh bất động”. Mới đây, chủ đầu tư lại tiếp tục có văn bản xin gia hạn.

Tái hồi điều chỉnh và gia hạn

Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn do Công ty TNHH năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 100.422m2, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm (chia 2 giai đoạn; giai đoạn I: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW; giai đoạn II: 500 tấn/ngày đêm, phát điện 18MW).

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 90 triệu USD (tương đương 2.051,1 tỷ đồng). Dự án được đầu tư đốt rác thải sinh hoạt phát điện, nhằm tận thu nhiệt để phát điện và các loại chất thải trơ làm vật liệu xây dựng; góp phần cải thiện môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào tháng 1/2018, hoàn thành đi vào hoạt động tháng 6/2019. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Qua nhiều lần xin giảm diện tích, lùi tiến độ, đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.

Văn bản Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các đơn vị tham mưu việc xin gia hạn của Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, dự án từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay, đã nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, xin gia hạn. Theo đó, dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư từ năm 2004, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3454/QĐ-UBND ngày 12/9/2017; đến Quyết định số 4891/QĐ-UBND ngày 18/12/2017; Quyết định số 4155/QĐUBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Cụ thể, ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định số 4891/QĐ-UBND điều chỉnh lại chủ trương đầu tư. Dự án được điều chỉnh lại thời gian thực hiện dự án là từ tháng 5/2018 khởi công và đến tháng 9/2019 hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án cũng thay đổi công suất phát điện xuống còn 9MW/ ngày đêm.

Tiếp đó, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có quyết định số 4155/QĐ-UBND về điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án này.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh diện tích đất thực hiện dự án từ 100.422m2, xuống 90.691,2m2 và điều chỉnh lại tiến độ thực hiện dự án; lần điều chỉnh này, nhà đầu tư thứ 2 tham gia dự án được thay đổi là Công ty United Expert Investments (Vương quốc Bỉ) góp 80%.

Bức xúc trước dự án "treo" nhiều năm qua, anh Lê Văn Hải sống trên địa bàn buông lời: "Dự án này triển khai nhiều năm qua, nhưng lâu nay không thấy động tĩnh gì. Rác thì ngày một nhiều, mà nhà máy chẳng hoạt động gì, dân chúng tôi toàn bị "tra tấn" bởi mùi rác. Mong các cấp có giải pháp giúp dân chúng tôi"

Cần xem lại năng lực nhà đầu tư

Liên quan Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện đầy “tai tiếng”, trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện dự án ngày 8/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã nhấn mạnh: Vấn đề rác thải tại khu vực thị xã Bỉm Sơn đã để lại rất nhiều bức xúc trong nhân dân và cần sớm xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn quá trình triển khai chủ đầu tư còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ phải chuyển đổi dự án cho chủ đầu tư khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng các Sở, ngành liên quan kiểm tra Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện đợt đầu năm 2021 (Ảnh Xuân Nghĩa)

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng khẳng định, chủ trương của tỉnh sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ theo quy định; có cam kết bằng văn bản với tỉnh về tiến độ thực hiện dự án.

“Đến ngày 31/7/2021, nhà đầu tư phải hoàn thành những thủ tục có liên quan và không gia hạn thêm; tỉnh sẽ thực hiện những chính sách hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án, đồng thời quan tâm đến công tác quy hoạch để tập trung rác về nhà máy xử lý, đáp ứng công suất cho nhà máy hoạt động” – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho hay.

Tại chuyến kiểm tra này, ông Đỗ Minh Tuấn cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tập trung giải quyết nhanh về thủ tục hồ sơ đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Sau nhiều lần xin gia hạn thời gian thực hiện dự án, đến nay chủ đầu tư mới hoàn thành xong việc lập tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 của nhà máy; lập thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường; ký các hợp đồng chế tạo và mua sắm thiết bị phục vụ lắp đặt nhà máy. Hiện, lượng rác tồn đọng trên địa bàn ngày càng lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn Trịnh Tuấn Thành cho biết: “Thị xã rất mong muốn chủ đầu tư đẩy manh tiến độ, sớm đưa Nhà máy vào hoạt động”. Có thể nói, mong muốn của Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cũng là mong mỏi của hàng nghìn người dân địa phương này.

Khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong chuyến kiểm tra dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện thời điểm đầu năm 2021 là vậy, nhưng mới đây, chủ đầu tư lại có văn bản xin gia hạn thực hiện dự án.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 03/8/2022, UBND tỉnh này đã có Văn bản số 11327/UBND-THKH gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND thị xã Bỉm Sơn: “Giao tham mưu việc giải quyết đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất của dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn”.

Thiết nghĩ, việc UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện là cần thiết, hợp lý, nhằm tận thu nhiệt để phát điện và các loại chất thải trơ làm vật liệu xây dựng, góp phần cải thiện môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại năng lực của nhà đầu tư sau 18 năm thực hiện dự án, đến nay vẫn “án binh bất động” ?

Hoàng Minh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép

Công ty TNHH Hamachi Việt Nam 'vô tư' rao bán xe điện Durable thuộc diện cấm lưu thông?

Thấy gì từ trang web Công ty Nhật Hưng bán 1 tấn bò khô '4 không'?

Vụ lô đất gần 7 tỷ đồng thiếu 58m2 ở Hà Nội: Người trúng đấu giá đất có được trả lại tiền?

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Hải Phòng: Người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp

Hộp thư bạn đọc ngày 7/11: Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin; phản ánh liên quan GFDI

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt cơ sở bán vàng Như An Diamond sau phản ánh của Báo Công Thương

Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Tuyên Quang: Kiên quyết xử lý Công ty Hồng Phát làm trang trại nuôi lợn đổ đất thải trái phép

Hà Nội: Trúng đấu giá lô đất gần 7 tỷ đồng, phát hiện bị thiếu 58m2

Mua căn hộ chung cư Phương Đông Green Park, người dân bất an vì dự án vướng loạt sai phạm

TikToker Phan Thủy Tiên lại vướng lùm xùm quảng cáo mỹ phẩm trái quy định

Hà Nội: Mua căn hộ Hado Parkside giá tiền tỷ, cư dân mòn mỏi đợi sổ hồng

Vụ 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu: Phan Thủy Tiên lên tiếng

Hộp thư ngày 24/10: Phản ánh về cửa hàng Owen, mỹ phẩm Kahanna, quán Bar 1900

Đổ 1.000 m3 phế thải vào dự án 48 tỷ tại Hà Nội: Chủ đầu tư nói gì?